Trong số 64 doanh nghiệp trên sàn có vốn hóa trên 100 triệu USD thì chỉ 7 doanh nghiệp có Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc là nữ giới.
 Trên sàn chứng khoán hiện có hơn 700 nghiệp nhưng số doanh nghiệp có Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc là phụ nữ không nhiều, đặc biệt là tại các doanh nghiệp lớn. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 64 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100 triệu USD (trên 2.100 tỷ đồng), thì chỉ có 7 doanh nghiệp có Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc là nữ giới.

Trong đó có 2 tổng giám đốc của các doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD là bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) và bà Dương Thị Mai Hoa (Vingroup).

Tổng vốn hóa của 7 doanh nghiệp này đạt hơn 206.000 tỷ đồng (~9,7 tỷ USD).


1. Vinamilk: Bà Mai Kiều Liên (Tổng giám đốc)

Vốn hóa thị trường 106.000 tỷ đồng

Câu chuyện về sự tăng trưởng của Vinamilk dưới sự lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên đã quá quen thuộc với mọi người. Bà Liên là nhân vật trang bìa số tháng 10 của Tạp chí Forbes Việt Nam, số chuyên đề về cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Vinamilk hiện đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới từ các thị trường nước ngoài bằng việc mua lại cũng như thành lập công ty con tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Campuchia, Ba Lan… 

2. Vingroup: Bà Dương Thị Mai Hoa (Tổng giám đốc)
Vốn hóa thị trường: 70.900 tỷ đồng

Từ khi thành lập đến nay, vị trí tổng giám đốc của Vingroup luôn được trao cho những nữ doanh nhân. Trước khi gia nhập Vingroup, bà Dương Thị Mai Hoa đã có một thời gian dài làm việc tại các ngân hàng như VIB, Maritime Bank. 

3. Dược Hậu Giang: Bà Phạm Thị Việt Nga (Tổng giám đốc)

Vốn hóa thị trường: 8.200 tỷ đồng

Bà Phạm Thị Việt Nga từng cùng với bà Mai Kiều Liên được bình chọn là những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Mới đây, bà Nga là nữ doanh nhân duy nhất lọt vào Top 5 doanh nhân xuất sắc đạt giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam do E&Y bình chọn.

Hiện tại, Dược Hậu Giang là doanh nghiệp dược nội địa đứng đầu về vốn hóa thị trường cũng như doanh thu, lợi nhuận.
4. REE Corp: Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc)

Vốn hóa thị trường: 8.200 tỷ đồng

REE hiện là doanh nghiệp đa ngành nghề hoạt động trên nhiều lĩnh vực như Cơ điện lạnh (M&E), Bất động sản, Đầu tư cơ sở hạ tầng (nước sạch, điện, than)…

Bà Mai Thanh cùng chồng và các con đang nắm giữ 12% cổ phần của công ty, tương ứng với số cổ phiếu trị giá hơn 900 tỷ đồng. 

5. Tập đoàn Tân Tạo: Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Vốn hóa thị trường: 6.700 tỷ đồng
Vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Tân Tạo khá trầm lắng với nguồn thu eo hẹp. Bà Đặng Thị Hoàng Yến hầu như biến mất khỏi thương trường trong khi em trai bà Yến, ông Đặng Thành Tâm thời gian gần đây khá tất bật với các hoạt động thu hút vốn đầu tư vào hệ thống các khu công nghiệp do Kinh Bắc City quản lý.


6. Thủy sản Vĩnh Hoàn: Bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc)


Vốn hóa thị trường: 3.400 tỷ đồng
 
Với lượng cổ phiếu đang sở hữu có trị giá gần 1.600 tỷ đồng, bà Trương Lệ Khanh là người giàu nhất trong số 8 doanh nhân trong danh sách.


Bà Khanh hiện sở hữu 50% cổ phần của Vĩnh Hoàn, một trong 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Vĩnh Hoàn đã tăng 120%.


7. Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ): Bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc)

Vốn hóa thị trường: 2.800 tỷ đồng

Bà Cao Thị Ngọc Dung cùng chồng, ông Trần Phương Bình là một trong những cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam.


Bà Dung hiện lãnh đạo PNJ, một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý và nữ trang lớn nhất Việt Nam còn ông Bình là tổng giám đốc của ngân hàng Đông Á. Gia đình bà Dung hiện sở hữu 18% cổ phần của PNJ và 10% cổ phần của Ngân hàng Đông Á.

PNJ mới đây đã thoái vốn khỏi CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) nhằm tập trung hơn vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo Infonet
 
Top