Với riêng nghề sales, quan trọng là bạn can đảm bỏ ngoài tai dư luận và theo đuổi hướng đi mình đã chọn, kiên nhẫn để không nản chí trước những lời từ chối dồn dập từ phía khách hàng. 

 
Tìm việc dễ nhưng giữ việc khó

Có một thực tế hiện nay là hầu hết các sinh viên ra trường khi tìm việc lựa chọn nhiều nhất tại các trang việc làm đều là nhân viên kinh doanh (sales). Ví dụ điển hình tại một trong những trang việc làm lớn nhất Việt Nam là vieclam24h. Tỷ lệ số việc sales đang cần tìm nhân sự lên tới 3.594 vị trí, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả 40 ngành nghề khác.

 

Tuy nhiên, vì bản chất không nhất thiết đòi hỏi việc đào tạo chính quy như các lĩnh vực khác, cộng thêm đặc thù nghề nghiệp vất vả hơn rất nhiều, nên nhiều người, nhất là các tân cử nhân thường nảy sinh tâm lý xem thường nghề sales, thậm chí coi đây là công việc nằm trong “blacklist” không bao giờ đụng tới, hoặc nếu bí bách thì đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Công việc bán hàng luôn có nhu cầu tuyển dụng khổng lồ và liên tục, phần vì bản chất công việc đòi hỏi số lượng nhân viên lớn, phần nữa là bởi đặc thù nghề nghiệp này có tính đào thải cao.

Trò chuyện với chúng tôi, T., một cử nhân tốt nghiệp đại học kinh tế ĐH Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Tài chính ngân hàng, sau khi ra trường trải qua một số công việc "lặt vặt", cuối cùng T được nhận vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên bán dụng cụ, đồ dùng phục vụ các quán cà phê. Sau hai tháng đầu thử việc với mức lương 3 triệu/tháng. T. được nhận vào làm chính thức với mức lương 5 triệu đồng/tháng kèm khoản tiền doanh số 1% trên tổng số hàng bán được.

Tuy nhiên, khoản tiền hoa hồng này T. chỉ được nhận 6 tháng 1 lần. Như vậy, hàng tháng với số tiền thuê nhà cộng thêm chi tiêu sinh hoạt cá nhân thì rõ ràng số tiền lương 5 triệu đồng/tháng là không đủ. Sau 6 tháng lấy được khoản tiền hoa hồng kỳ đầu tiên, T.đành phải bỏ việc và tìm công việc mới.

Trường hợp khác ở một trung tâm thể dục có tiếng tại Hà Nội. Tại đây, mỗi nhân viên kinh doanh được giao một chỉ tiêu bán hàng theo tháng tuỳ thuộc vào khả năng. H. là nhân viên mới vào, sau quá trình thử và học việc, tháng đầu tiên chính thức làm, H. được rao chỉ tiêu doanh số là 200 triệu VNĐ.

Cả tháng vật lộn, đôn đáo tìm kiếm khách hàng, H. chia sẻ: “Tháng này em mới chỉ chốt được 1 khách hàng”. Trong khi đó, gói sản phẩm khuyến mại thấp nhất của công ty chỉ khoảng 40 triệu. Như vậy, H. sẽ phải tìm thêm khoảng 5 khách hàng nữa mới đạt đủ chỉ tiêu doanh số.

Chào 1.000 người nhưng chỉ 20 dừng lại lắng nghe

Với công việc bán hàng, thu nhập cố định (lương cứng) thường khá khiêm tốn, thậm chí là không có. Tổng thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào doanh số bán hàng. Hai nhân viên văn phòng không cùng trình độ thì lương bổng có thể chênh nhau khoảng 20%, nhưng hai nhân viên kinh doanh cùng làm chung một công ty có thể hơn kém nhau mấy mươi lần thu nhập. Chính vì vậy, một khi lơ là, hoặc không nỗ lực cố gắng thêm vào đó là áp lực doanh số từ phía công ty khiến nhiều người không thể thể trụ vững lâu trong nghề này.

Với những nhân viên sales, chắc hẳn không lạ với quy tắc đơn giản nếu bạn chào 1.000 người đi qua, sẽ có khoảng 100 người nán lại, chỉ có 20 người nghe bạn nói đến câu thứ 3 và (nếu bạn may mắn) sẽ có 2 người mua sản phẩm của bạn. Đấy là chưa kể đến những người khách hàng khó tính hoặc có một số hành động khiếm nhã khác. 

Thế nhưng, ở vị trí đầu trận tiền, các nhân viên kinh doanh đóng cực kỳ quan trọng đối với một công ty, bởi đây là nơi trực tiếp sinh ra lợi nhuận, doanh thu để nuôi sống toàn hệ thống. Thực tế thống kê cho thấy hơn 80% lãnh đạo các công ty đều xuất thân từ nghề bán hàng. Đây có thể là một môi trường học tập kinh nghiệm rất tốt nếu bạn muốn trở thành nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp trong tương lai.

Bất kể ngành nghề nào cũng có khó khăn và thử thách. Với riêng nghề sales, quan trọng là bạn can đảm bỏ ngoài tai dư luận và theo đuổi hướng đi mình đã chọn, kiên nhẫn để không nản chí trước những lời từ chối dồn dập từ phía khách hàng, có như vậy bạn mới có thể đạt được thành công.
 Theo Infonet
 
Top