Có một vài thói quen xấu có thể khiến tâm trạng chúng ta rối ren và mệt mỏi. Bài viết này chỉ ra những cách giúp bạn thay thế chúng bằng những thói quen tích cực hơn.

 

Có một vài thói quen xấu có thể khiến tâm trạng chúng ta rối ren và mệt mỏi. Bài viết này chỉ ra những cách giúp bạn thay thế chúng bằng những thói quen tích cực hơn.

1. Đừng suy nghĩ quá nhiều

Nhiều người mắc tật suy nghĩ quá nhiều về một việc, tới mức họ tốn thời gian và năng lượng vào việc nghĩ nhiều hơn là hành động thực sự.

Để thay đổi thói quen này, có một cách hay là bạn nên tự đặt cho mình những thời hạn ngắn cho việc ra quyết định. Cách này đòi hỏi bạn phải luyện tập.

Để tránh suy nghĩ quá nhiều về một việc, bạn nên tự đặt cho mình thời hạn ngắn cho việc ra quyết định
Chẳng hạn, với những việc đơn giản như lựa chọn giữa rửa bát hay đi chơi, bạn chỉ cho mình 30 giây để quyết. Nhưng với những quyết định lớn hơn mà trước đó, bạn phải thường phải mất nhiều ngày hay nhiều tuần suy nghĩ, thì nay chỉ nên cho phép bản thân có 30 phút, hoặc phải quyết định vào cuối ngày làm việc.

Thật khó tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực hay nghĩ quá nhiều về một việc khi chúng ta đang rất vội hoặc sắp tới giờ đi ngủ. Vì vậy, hãy dừng suy nghĩ khi biết mình đang không minh mẫn.

Bạn nên học cách tránh xa việc phải suy nghĩ về những chuyện quan trọng trong thời điểm đó. Nếu chúng cứ xoáy lên trong óc, bạn phải kiên quyết tự nhủ: Không, không, tôi sẽ không nghĩ về nó lúc này nữa.

Khi đã nạp đủ năng lượng hay ngủ đủ, suy nghĩ của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng và lạc quan hơn. Vì vậy, bạn phải tỉnh táo để tự kiểm soát mình trong những tình huống rất dễ sa đà vào tình trạng cả nghĩ hay yếm thế.

2. Đừng khiến mình trở nên bận rộn hơn

Người ta rất dễ rơi vào những lối mòn cũ rích trong công việc. Theo đó, bạn dành thời gian cho những việc vẫn thường làm và giống như hầu hết mọi người vẫn vậy.

Thường thì mọi người dành hết thời gian trong ngày cho những công việc vẫn thường làm, rồi khi có phát sinh thì phải trì hoãn việc phát sinh hoặc “để dành” công việc thường ngày. Cuối cùng thì rơi vào căng thẳng vào những ngày cuối tuần hoặc trước thời gian đáo hạn của một công việc, dự án.

Để khắc phục, hãy tìm ra việc thực sự quan trọng.

Trước tiên, hãy ngồi xuống, hít thở vài nhịp thật sâu để thư giãn và tập trung trí não. Sau đó, hãy tự hỏi: việc quan trọng nhất tôi phải làm hôm nay là gì? Hãy nghĩ về việc quan trọng nhất - xét về lâu dài với bạn - trong câu hỏi này. Sau đó tìm ra, chỉ một việc thôi, và bắt đầu với công việc đó.

Nếu bạn thấy khó bắt tay vào việc và trượt dần vào thói trì hoãn, hãy bước từng bước nhỏ hơn. Tự nhủ với mình, tôi sẽ chỉ làm việc này trong 2 phút thôi.

Hãy khiến cho việc bắt đầu hành động trở nên dễ dàng hơn, gây ít hoặc không có sự phản kháng từ bên trong bạn. Thường thì sau khi bắt đầu được như vậy, bạn sẽ duy trì công việc được lâu hơn và thậm chí còn có thể hoàn thành sớm hơn.

3. Đừng phức tạp hóa các mối quan hệ

Niềm vui, sự hứng khởi trong bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể bị giảm sút đáng kể vì những sai lầm trong suy nghĩ thông thường.

Người ta hay mắc phải 2 sai lầm: cố đọc suy nghĩ người khác và tự suy diễn.

Để khắc phục điều này, bạn cần hiểu rõ, việc cố gắng đọc suy nghĩ của người khác thường tạo ra những viễn cảnh kinh hoàng cho chính bạn. Bởi rõ ràng, việc đọc tâm trí người khác là điều không tưởng, và bạn rất dễ áp những điều sợ hãi nhất của mình lên suy nghĩ của người khác.

Thay vì cứ tự “cày xới” thói quen này, bạn nên tương tác trực tiếp hơn. Hãy hình thành thói quen hỏi han và trao đổi trực tiếp để có thể hiểu nhau hơn trong các mối quan hệ.

Trước những biến cố của cuộc sống, hãy tự hỏi mình câu “5 năm nữa việc này có còn quan trọng không?”, hay thậm chí là “5 tuần nữa nó sẽ như thế nào?”.

Hẳn nhiên với biến cố trước mắt, bạn cần phải giải quyết, nhưng hãy đơn giản hóa nó ở đúng mức thực tiễn để có thể tránh đi những xung đột, tức giận và tổn thương kèm theo.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
 
Top