Trong chuyến du ngoạn đến Ấn Độ, Steve Jobs đã nhận thức được sức mạnh từ trực giác.

Nội dung nổi bật:
- Vào năm 19 tuổi, Steve Jobs có một chuyến đi đến Ấn Độ với mục đích tìm đấng tối cao để họ truyền cho ông sự thông thái.
- Và tại đây, Jobs bắt đầu nhận thức được sức mạnh của trực giác không phải từ đấng tối cao, mà từ sự trải nghiệm trong hoàn cảnh thiếu thốn ở các ngôi làng nghèo Ấn Độ.


 
Bill Gates từng đánh giá Jobs là một gã chẳng có một khái niệm nào dù nhỏ nhất về lĩnh vực thiết kế phần mềm và chỉ là người bán hàng giỏi. Tuy vậy, Gates cũng thừa nhận Steve Jobs sỡ hữu một trực giác bẩm sinh và gu thẩm mỹ tuyệt vời.

Tuy nhiên, trực giác mà Jobs có được hoàn toàn đến từ việc tìm kiếm và luyện tập. Vào năm 19 tuổi, khi còn làm việc tại công ty điện tử Atari, Jobs đã kiếm được kha khá tiền ở đây và muốn thực hiện một chuyến hành hương dài ngày để tìm sự giác ngộ.

Niềm đam mê thế giới tâm linh phương Đông, Thiền Phật giáo hay sự tìm kiếm con đường đến với giác ngộ của Jobs không đơn thuần chỉ dừng lại ở những bồng bột thoáng qua của một thanh niên mười chín tuổi. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tìm kiếm và theo đuổi rất nhiều giới luật cơ bản trong văn hóa phương Đông như việc nhấn mạnh vào sự hoàn hảo trí tuệ và hiểu biết có được bằng trực giác khi tập trung suy nghĩ. 

Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm kiếm một đấng tối cao, người sẽ truyền lại cho ông sự thông thái. Và mảnh đất ông tìm kiếm đầu tiên là cuộc hành hương đến Ấn Độ.

Những người sống ở vùng nông thôn Ấn Độ không sử dụng lý trí của họ như người châu Âu vẫn làm, mà thay vào đó họ sử dụng trực giác. Và trực giác của họ phát triển hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Với Jobs, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của ông.

Những suy nghĩ chủ yếu dựa trên lý trí của người phương Tây không phải là đặc tính bẩm sinh của loài người. Nó được trau dồi và đúc kết qua thời gian. Có thể nói, lý trí là thành tựu vĩ đại của nền văn hóa phương Tây.

Còn ở những ngôi làng của Ấn Độ, người dân tại đây không bao giờ học cách sử dụng lý trí. Họ học những thứ khác. Tuy nhiên, những điều họ học xét trên một số phương diện sẽ rất giá trị nhưng trên một vài phương diện khác thì không. Đó là sức mạnh của trực giác và sự khôn ngoan có được từ những trải nghiệm.

Khi quay trở lại sau 7 tháng lang thang khắp các ngôi làng Ấn Độ, Jobs bắt đầu nhận thấy sự khác biệt trong con người của phương Tây cũng như khả năng chứa chất những ý nghĩ lý trí của họ. Và ông nói rằng nếu bạn ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy cách thức mà bộ não của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ.

Nếu chúng ta cố gắng kiềm chế, nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Nhưng qua thời gian, não bộ của chúng ta sẽ quen dần với tình huống đó và trở nên điềm tĩnh hơn. Bạn có thể nghe thấy sự chuyển động của những sự vật nhỏ nhất, những âm thanh khẽ khàng nhất và đó chính là lúc trực giác của chúng ta bắt đầu thức giấc.

Bộ não dần dần suy nghĩ chậm lại và bạn có thể thấy thời gian như được kéo dài hơn trong cùng một khoảnh khắc. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được nhiều sự việc hơn so với trước đây. Đó là một quy luật, bạn phải luyện tập nó mới có thể sỡ hữu sức mạnh của trực giác.

Điều này cũng lý giải một phần mặt khuất trong nét tính cách của Steve Jobs. Ông có thể cáu gắt, đay nghiến, nhiếc móc những người có thành tích công việc kém hiệu quả. Cũng như thiếu kiềm chế hay kiên nhẫn trước những người mà Jobs cảm thấy không tôn trọng. Cách thức làm việc của Jobs có thể tàn nhẫn nhưng hầu hết những người vượt qua được thử thách của ông đều làm được nhiều hơn những gì họ có.

Steve Jobs đã không tìm được sự giác ngộ. Thay vào đó ông đã nhận thấy và sở hữu được trực giác từ những trải nghiệm thiếu thốn tại những ngôi làng nghèo ở Ấn Độ. Nhờ vậy, Jobs có thể quyết định nhiều thứ đơn giản và nhanh chóng như một cú nhấp chuột. Nó giúp ông nói không với nhiều thứ để có thể hướng sự tập trung vào một số việc thật sự quan trọng. Và tại Apple là nơi kế thừa mã di truyền của Steve Jobs.
Tri Thức Trẻ
 
Top