Thông minh, hiểu biết, bà Kha Ngọc Chi trở thành "nội tướng" và người cố vấn cho mỗi bước đường sự nghiệp của ông Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi học Đại học Raffles ở Singapore (hiện là Đại học Quốc gia Singapore). Bà Kha là nữ sinh duy nhất ở ngôi trường này. Ở trường, họ là những đối thủ trong học tập. Bà Kha luôn xếp thứ nhất ở môn tiếng Anh và Khoa học Kinh tế, còn ông Lý đứng thứ hai. Ông Lý nể phục cô bạn học này bởi bà luôn xuất sắc hơn ông. Ảnh: AsiaOnes.
 
 
Bà Kha nhiều tuổi hơn ông Lý và là phụ nữ độc lập. Tháng 9/1946, ông Lý quyết định tới Anh để học luật và hy vọng bà Kha cũng sẽ đoàn tụ cùng ông tại đây khi giành được suất học bổng hàng năm của Nữ hoàng Anh cho sinh viên của Đại học Raffles. Nếu thất bại, bà Kha sẽ phải chờ bạn trai 3 năm khi ông Lý từ Anh trở về.
Ảnh chụp ông Lý và bà Kha ở hồ chứa nước MacRitchie, Singapore, tháng 9/1946. Năm ấy, ông Lý mới 23 tuổi còn bà Kha đã 25 tuổi. Ảnh: AsiaOnes.
 
 
Bố mẹ bà Kha thời điểm đó không kỳ vọng vào chàng thanh niên bỏ dở đại học lại không nghề nghiệp như ông Lý. Gia đình bà Kha cho rằng ông Lý không xứng đáng làm con rể họ. Tuy nhiên, bà Kha cuối cùng vẫn trung thành với lựa chọn của mình. Năm 1947, bà Kha nhận được suất học bổng sang Anh. Hai ông bà bí mật kết hôn ở Anh sau đó và mãi tới tháng 9/1950 khi trở về Singapore, họ mới chính thức làm đám cưới.
Trong ảnh, ông bà Lý cắt bánh tại lễ cưới tổ chức ở khách sạn Raffles. Ảnh: AsiaOnes.
 
 
Ông Lý và bà Kha làm cho một công ty luật ở Singapore. Họ đón con đầu lòng, Hiển Long, năm 1952. Đứa con thứ hai và thứ ba, Vỹ Linh và Hiển Dương lần lượt ra đời vào năm 1955 và 1957. Ảnh: AsiaOnes.
 
 
Vợ chồng ông Lý đi chơi golf cùng nhau vào năm 1966. Bà Kha là người giúp ông Lý soạn thảo Hiếp pháp của đảng Hành động Nhân dân (PAP). Ông Lý luôn đánh giá cao khả năng nhìn người và đoán biết trước tình hình của vợ. Bà Kha từng nhìn thấy trước việc hợp nhất Singapore và Malaysia sẽ sụp đổ bởi sự khác biệt trong phong cách sống và cách điều hành chính trị. Cuối cùng, Singapore tách khỏi Malaysia và trở thành một nước độc lập năm 1965. Ảnh: AsiaOne.
 
 
Bà đóng vai trò vừa là người bạn tâm tình, vừa là cố vấn của chồng. Trước đây, bà Kha từng có câu nói nổi tiếng: "Tôi đi sau chồng hai bước giống như một người vợ châu Á đảm đang". Ảnh: AsiaOne.
 
 
Hình ảnh gia đình hạnh phúc của cựu thủ tướng Singapore khi ông ngồi chơi cờ cùng vợ và ba con. Ảnh: AsiaOne.
 
 
Dù sức khỏe yếu nhưng bà Kha vẫn sát cánh cùng chồng trong các chuyến công du. Ảnh chụp lần gặp gỡ của vợ chồng ông Lý với "bà đầm thép" Margaret Thatcher năm 1990. Ảnh: AsiaOne.
 
 
Bà Kha bị đột quỵ lần đầu năm 2003 và sau đó là năm 2008. Hàng ngày, ông Lý vẫn dành thời gian ở bên vợ để nói chuyện, đọc thơ cho bà nghe. Ảnh: Today Online.
 
 
Năm 2010, bà Kha qua đời ở tuổi 89 sau hai năm nằm liệt giường. Cuộc hôn nhân của ông bà đến khi đó là tròn 63 năm. Ảnh: Worldpress.
 
 
Trong lễ tang vợ, ông Lý đau buồn bước đến quan tài có di ảnh bà. Ông lặng lẽ cúi xuống, đặt bàn tay có chiếc hôn từ biệt của mình lên trán vợ. Sự ra đi của bà Kha khiến ông Lý như mất đi sức sống. Trong cuốn hồi ký dày 400 trang của ông Lý được AFP trích dẫn, cựu thủ tướng chia sẻ mỗi ngày trôi qua, ông cảm thấy không còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông muốn dấu chấm hết cho cuộc sống của mình đến càng nhanh và ít đau đớn càng tốt, và sợ phải nằm liệt giường với dây ống chằng chịt trên người. Ảnh: AFP.
 

Vnexpress
 
Top