Bà Liên hiện được xem là “nữ tướng” ngành sữa với nhiều đóng góp cho sự phát triển của Vinamilk nói riêng cũng như mong muốn thực hiện cuộc “cách mạng trắng” tại Việt Nam.

Lần thứ 4 được tạp chí Forbes Asia bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á kể từ năm chủ tịch kiêm TGĐ Vinamilk Mai Kiều Liên không còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Tại sao bà Liên được Forbes tin tưởng đến vậy? Nữ thủ lĩnh của Vinamilk là người như thế nào ?

Q: Bà Mai Kiều Liên là ai?

A: Biết đến Vinamilk mà không biết đến Mai Kiều Liên là một thiếu sót lớn. Bà là chủ tịch kiêm tổng giám đốc CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk) từ những năm 1992. Tiền thân của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam hiện nay là công ty Sữa- Cà phê miền Nam vốn là một đơn vị nhà nước. Ban đầu bà Liên là kỹ sư phụ trách khối sản xuất nhà máy sữa Trường Thọ, thuộc công ty này từ năm 1976.

Dưới sự lãnh đạo của bà Liên, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất trong lịch sử có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, trên 100.000 tỷ đồng, doanh thu năm 2014 đạt gần 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên 6.000 tỷ đồng.

Bà Liên hiện được xem là “nữ tướng” ngành sữa với nhiều đóng góp cho sự phát triển của Vinamilk nói riêng cũng như mong muốn thực hiện cuộc “cách mạng trắng” tại Việt Nam.

Q: Trở thành “nữ tướng” ngành sữa là ước mơ từ thủa ấu thơ của bà Liên chăng?
A: Hoàn toàn không phải!
Trong một cuốn sách viết về người đứng đầu Vinamilk, bà chia sẻ: “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ.” Năm 1970, bà được nhà nước phân công đi Liên Xô học ngành công nghệ chế biến thịt và sữa. Ngành sữa không phải là ngành bà Liên lựa chọn. Con đường vào ngành sữa còn được bắt đầu tư ước mơ của cha bà, một bác sỹ với tâm huyết cải thiện “tầm vóc” người Việt.

Q: Lãnh đạo doanh nghiệp lớn vậy chắc bà Liên phải là người rất lý trí?
A: Ồ, không phải vậy đâu. Mặc dù được mệnh danh là “nữ tướng” trong ngành sữa cũng như tại Vinamilk nhưng Vị thuyền trưởng Vinamilk tự cho mình là người mềm yếu, tình cảm trong công việc. Bà Liên từng chia sẻ: “Tôi tình cảm nhiều hơn lý trí nhưng khi vì công ty thì lý trí phải thắng. Tình cảm mãi cũng không được.”

Có một điều khá thú vị là Vinamilk rất ít khi đuổi việc nhân hay sa thải nhân viên. Bà Liên cho rằng: “Thứ nhất là thuyết phục. Thuyết phục không được lần một thì lần hai. Mình hiểu không phải lỗi của họ, lỗi hệ thống.”

Q: Nói vậy liệu bà Liên sẽ thiếu quyết đoán trong công việc?
A: Sai hoàn toàn! Mặc dù là người tình cảm nhưng không có nghĩa “nữ tướng” Vinamilk lại là người thiếu quyết đoán mà thậm chí ngược lại.

Khi bà Liên về công ty sữa- cà phê miền Nam năm 1976, nhà máy đối mặt với khó khăn thiếu nguyên liệu đầu vào, công nhân bỏ đi thậm chí phải làm bánh kem xốp, bánh chuối để cầm cự. Trước bối cảnh này, bà Liên cùng lãnh đạo công ty lựa chọn cách tự tìm nguyên liệu, hợp tác cùng Seaprodex, là doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn ngoại tệ dồi dào nhưng khan hiếm nội tệ để thu mua nông sản xuất khẩu. Từ đó bài toán nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, nguồn ngoại tệ đã có lời giải. Vốn tự có của công ty đã đạt con số khổng lồ 20 tỷ đồng tại thời điểm năm 1986.

Những chính sách của Vinamilk về chủ động tạo được nguồn nguyên liệu để tránh phụ thuộc vào nước ngoài, phát triển hệ thống trang trại và đàn bò của riêng công ty hay triết lý đầu tư thận trọng, hạn chế vay nợ thậm chí bị coi là bảo thủ đã phần nào khắc họa tính cách quyết đoán của bà Liên.

Q: Quyết đoán và thận trọng vậy chắc bà Liên chưa bao giờ mắc phải sai lầm trong kinh doanh?
A: Thất bại là mẹ thành công, con đường kinh doanh của Vinamilk cũng không phải ngoại lệ.
Trong báo cáo thường niên năm 2005, Vinamilk cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực tiềm năng khác nhằm đa dạng hóa hoạt động đầu tư. Vinamilk quyết định tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh nước giải khát cao cấp (bia và cà phê hòa tan) và dịch vụ chăm sóc sức khỏe (phòng khám đa khoa), dự án hợp tác kinh doanh căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê.

Sản phẩm cà phê Moment của Vinamilk có lúc dành được 3% thị phần nhưng đến 2008 chỉ đóng góp 1% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này. Đến năm này, Vinamilk quyết định nhanh chóng thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành và chỉ giữ lại một phòng khám chữ bệnh là lĩnh vực ngoài ngành duy nhất. Bà Liên thừa nhận việc đầu tư chế biến cà phê sau khi bán lại không bị lỗ “nhưng việc này thể hiện là mình suy nghĩ chưa tới.”

Ngay cả trong hoạt động kinh doanh chính, CEO Vinamilk cũng cho biết có khoảng 10 sản phẩm không được thị trường đón nhận dù chuẩn bị kỹ lưỡng như sữa chua gừng nhắm tới thị trường miền Bắc với ưu điểm giúp làm da khỏe, không bị khô song lại không thuyết phục được người tiêu dùng.

Q: Làm tổng giám đốc Vinamilk chắc hẳn rất giàu?
A: Hiện bà Liên sở hữu 0,27% Vinamilk, tương đương hơn 2,7 triệu cổ phiếu. Tính đến cuối năm 2014, lượng cố phiếu này trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Từ khi Vinamilk cổ phần hóa, bà Liên chưa hề bán một cổ phiếu nào. Tuy nhiên so với những nhà lãnh đạo tại các công ty có vốn hóa lớn khác, xem ra bà Liên không phải là đại gia, có chăng được biết đến là người thuyền trưởng bản lĩnh của Vinamilk.

Q: Là người đứng đầu ở Vinamilk thế bà Liên có phải là cũng là “nữ tướng” trong gia đình không?
A: Không hề phải vậy! Thậm chí bà Liên còn hài hước cho biết “ở nhà tôi là ô sin”. Trong gia đình bà không có người giúp việc. Bà Liên xem việc nội trợ như một sở thích giúp bà giữ cân bằng. Mỗi cuối tuần, bà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần vào thứ bảy, chủ nhật. Hai vợ chồng bà Liên hiện hai người con, con gái đã lập gia đình, con trai đang học tiến sỹ về y khoa tại Mỹ.

Q: Là nữ doanh nhân thành công, bà Liên có cách nào giữ cân bằng cuộc sống và công việc không?
A: Mặc dù bận rộn nhưng vị nữ tướng này vẫn giữ nếp sinh hoạt quy củ, hết thời giam làm việc bà dành hai tiếng tập yoga.

Bí quyết để cân bằng sự nghiệp và gia đình, bà bật mí: “Bí quyết của tôi là làm sao huy động cả ‘sân sau’ để giúp mình trong sự nghiệp, hóa giải mọi vấn đề khó khăn. Gia đình hơn ai hết phải hiểu khó khăn của mình, hiểu những cái mình cần phải vượt qua, và chia sẻ với mình những tình cảm ấm áp…”. Về người bạn đời, bà Liên luôn tâm niệm: “Vợ chồng phải luôn cần có nhau và luôn … biết sợ mất nhau.”

Với bà Liên, điều quan trọng nhất là tình thương, có tình thương sẽ giải quyết được mọi vấn đề. “Không lẽ, người thành công lại không thể hạnh phúc.”

Theo Trí Thức Trẻ
 
Top