Steve Jobs đã gầy dựng lại Apple từ hàng loạt những sai lầm và thất bại tưởng chừng như là một vụ ‘Titanic’của thế giới công nghệ bằng sách lược lấy mật mà không phải phá tổ ong.


Nội dung nổi bật:

- Cuối thập niên 90, Apple đã bị đánh bại bởi Microsoft trong lĩnh vực hệ điều hành.
- Cùng với đó là việc tự bắn vào chân mình khiến Apple rơi vào tình trạng khó khăn và theo tính toán của Jobs thì vài năm nữa có thể phá sản.
- Với nỗ lực vực dậy công ty, Jobs đã có bước đi quan trọng là thỏa hiệp với đối thủ truyền kiếp Microsoft. Tất nhiên, khi lấy mật từ tổ ong này, Jobs phải ra tay nhẹ nhàng nhất có thể.


Chàng David Microsoft và gã khổng lồ Apple

Vào cuối thập niên 80, khi doanh số bán hàng của Apple duy trì ở mức vài tỷ đô thì đối thủ truyền kiếp với công ty, Microsoft chỉ đạt mức chục triệu đô. Khi đó, với hệ điều hành đã khai sáng làng công nghệ Macintosh, Apple tiếp tục vận hành băng băng do kiếm được lợi nhuận cao dựa vào vị thế thống trị thị trường sản xuất máy tính hiện thời.

Như một vị vua ngủ quên trên chiến thắng, Apple cho thấy dấu hiệu tự mãn khi không nỗ lực nghiên cứu, phát triển thêm những sản phẩm mới mà chỉ chăm chú đến việc vắt kiệt lợi nhuận của dòng sản phẩm đã đưa nó đến với thành công là Apple 2 và hệ điều hành Macintosh.

Nhờ điều đó mà nó giúp Microsoft bắt đầu rút ngắn khoảng cách. Microsoft phải mất vài năm để đạt được biểu đồ lượng người dùng như Macintosh. Nhưng đến năm 1990, nó bắt đầu phả hơi nóng vào gáy Apple. Với hệ điều hành ra mắt vào năm 1990, Windows 3.0 đã mở đầu cho công cuộc chiếm lĩnh thị trường máy tính. Windows 95, ra mắt năm 1995 trở thành hệ điều hành chuẩn mực của ngành công nghiệp máy tính.

Thành công vang dội của Windows 95 đã mang lại doanh số bùng nổ cho Microsoft và giúp công ty soán ngôi vương, đánh thức gã khổng lồ ngủ quên Apple. Doanh số bán hàng của Apple vì thế mà cũng dần dần sụp đổ mà theo tính toán của Steve Jobs thì không đầy vài năm nữa công ty của ông sẽ phá sản. Giống như, một chiếc Titanic của ngành công nghệ vậy.

Lần thứ hai trở lại của Steve Jobs

Steve Jobs đã thành lập Apple vào năm 1976 tại gara để xe của ông. Chưa đầy 10 năm sau, ông bị đá ra đường bởi chính người đang điều hành Apple khi đó là CEO John Sulley. Phiêu bạt tại miền đất hứa có tên là NEXT, Jobs thể hiện cả những mặt tốt lẫn xấu. Không ai nghi ngờ về khả năng sáng tạo cùng gu thẩm mỹ tuyệt vời của ông nhưng điểm hạn chế của ông là về khả năng lãnh đạo. Ông chưa bao giờ nắm giữ vai trò CEO trước đó. Nên tại công ty NEXT, ông được thử sức với trọng trách mới này.

Tuy nhiên, NEXT lại không gây được tiếng vang như bậc tiền bối Apple. Nếu dựa vào đó để nhận xét khả năng làm CEO thì màn thể hiện của Jobs cũng không quá xuất sắc. Cứ cho là ông đã thất bại tại NEXT, nhưng nhờ vậy ông đã có được một bài học kinh nghiệm quý giá.

Cột mốc năm 1997 là dấu ấn thật sự quan trọng. Nó đánh dấu sự trở lại của Steve Jobs và cũng là năm mà Apple khụy gối trước Microsoft. Apple đã hoàn toàn bị Microsoft loại ra khỏi lĩnh vực hệ điều hành máy tính. Nhưng cơn ác mộng của Apple vẫn chưa chấm dứt. Microsoft từ chối việc phát triển Word và Excel cho những phiên bản tương lai của hệ điều hành Macintosh, và điều đó có thể tiêu diệt Apple.

Chiến lược lấy mật, nhưng không phá tổ ong của Jobs

Steve Jobs chính thức đảm nhiệm vai trò CEO của Apple vào tháng 7 năm 1997. Chưa có một tín hiệu rõ ràng rằng Apple sẽ vực dậy, nhưng việc Jobs đang toàn tâm toàn ý cho Apple đã đẩy giá cổ phiếu từ 13 đô la lên 20 đô la. Cùng với đó là sự phấn khích và cảm xúc hân hoan của toàn thể nhân viên khi biết rằng Jobs sẽ dẫn dắt họ. Đó là sự khởi đầu, nhưng không phải là việc làm quan trọng nhất của Jobs.

Như một chú ong chăm chỉ, Jobs đã xoay xở tìm mọi cách để có thể vực dậy Apple từ vực thẳm. Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất trong hành trình này của ông là thỏa thuận ‘ngừng bắn’ với Microsoft.

Sự kiện tại Macworld tháng 8 năm 1997 của Jobs đã chính thức hóa mối quan hệ đối tác của cả hai. Tại đây Jobs đã nói rằng “Apple sống trong một hệ sinh thái. Vì thế, công ty cần sự trợ giúp cộng sinh từ các đối tác. Những mối quan hệ tiêu cực không giúp gì ai trong nghành công nghiệp này.” Sau đó, ông giới thiệu một đối tác mới đầu tiên của Apple hôm nay. Một đối tác đầy ý nghĩa, và đó là Microsoft.

Nhân viên của Apple và Microsoft trong tình trạng chiến tranh lạnh hàng thập kỷ qua đều coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Nhưng giờ đây, khi biểu tượng Microsoft và Apple xuất hiện cùng nhau trên màn hình thì sự kinh ngạc của mọi người là điều không thể tránh. Trật tự về một thế giới mới đã được hai công ty sắp xếp lại.

Trước sự kiện Macworld, Jobs đã có một cuộc điện thoại có lẽ là quan trọng nhất của cuộc đời ông. Ông đã gọi Bill Gates và nhờ Gates trợ giúp. Viện vào cớ hệ điều hành của Microsoft là sự sao chép ý tưởng từ Apple, Jobs đề nghị Microsoft tiếp tục phát triển phần mềm cho Apple và cùng với đó là một khoản đầu tư trị giá đến 150 triệu đô la. Trong sự kinh ngạc của Jobs, Gates đã đồng ý.

Chiến lược lấy mật cùng với sự gắn bó đam mê của Jobs với công ty, đã tạo ra sức bật cực kỳ cần thiết cho Apple. Giá cổ phiếu tăng 33% trong một ngày khi công bố thỏa thuận với Microsoft. Cú nhảy ngoạn mục này mang lại 830 triệu đô la cho giá trị của Apple trên sàn chứng khoán. Cùng với đó là một khoản đầu tư lớn từ Microsoft đã giúp Apple quay trở lại từ nấm mồ của nó.

Theo Trí Thức Trẻ 
 
Top