Không kéo ghế cho người khác, không ngồi bắt chéo chân, luôn bẻ bánh mỳ bằng tay và không xếp đĩa khi người khác còn ăn là những quy tắc không phải ai cũng biết.
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy một số tình huống giao tiếp chuyên nghiệp thật khó khăn. Và thật không may, rất nhiều người đã tự làm bẽ mặt mình vì không hiểu những quy tắc ứng xử trong kinh doanh khác xa những môi trường khác.

Trong cuốn "Những điều cần biết trong ứng xử kinh doanh", tác giả Barbara Patcher đã viết về những quy tắc cần tuân theo trong môi trường chuyên nghiệp. Sau đây là những lời khuyên cực kỳ hữu dụng trong cách giới thiệu bản thân, ăn mặc và gọi món ở nhà hàng, rút ra từ cuốn sách của Patcher.

1.  Luôn đứng khi được giới thiệu

Việc đứng lên sẽ khiến người khác ý thức được sự hiện diện của bạn. Bạn sẽ không được chú ý nếu không chịu đứng lên. Nếu bị bất ngờ và không kịp đứng, bạn nên nghiêng người về phía trước để thể hiện là mình sẽ đứng lên, nếu có thể.
 2. Luôn nói tên đầy đủ

Trong công việc, bạn nên nói đầy đủ họ tên của mình, nhưng cũng cần chú ý xem đối phương muốn được gọi như thế nào. Nếu tên bạn quá dài hoặc khó phát âm, bạn có thể cân nhắc việc đổi hoặc rút gọn nó. Hoặc bạn cũng có thể viết cách phát âm tên mình lên card visit rồi đưa cho đối tác.
 3. Ăn mặc phù hợp

Trang phục là một hình thức giao tiếp quan trọng, có thể nâng cao hoặc hạ thấp uy tín của một người. Bạn cần thể hiện mình là người chuyên nghiệp thông qua cách ăn mặc. Hãy chắc chắn bạn luôn tuân theo những yêu cầu về trang phục cho từng sự kiện, buổi gặp mặt hay nhà hàng mà mình sắp tới.
 4. Chỉ nói cảm ơn một hoặc hai lần trong suốt cuộc hội thoại

Bạn chỉ cần nói cảm ơn một hoặc hai lần trong cuộc nói chuyện thôi. Nếu quá đà, bạn sẽ làm giảm giá trị của lời cảm ơn. Tệ hơn nữa là tạo cảm giác mình vô dụng và luôn cần sự giúp đỡ.


5. Gửi lời cảm ơn riêng cho từng người tham gia

Bạn nên gửi lời cảm ơn riêng tới từng khách mời trong vòng 24h sau khi sự kiện diễn ra. Trước khi quyết định sẽ gửi email hay thư cảm ơn viết tay, hãy nhớ rằng thư từ thông thường sẽ mất vài ngày để đến nơi, trong khi email sẽ tới ngay lập tức. Sự khác biệt về thời gian này rất quan trọng nếu đó là một buổi phỏng vấn, đặc biệt khi kết quả tuyển dung được thông báo nhanh chóng.

6. Để điện thoại trong túi

Ngày nay ai cũng luôn mang điện thoại theo người khi ra ngoài. Nhưng bạn cần hạn chế sử dụng điện thoại trong cuộc gặp mặt. Có thể bạn đang rất cần nhắn tin hay gửi email, nhưng dù cố gắng kín đáo đến đâu, bạn vẫn sẽ bị chú ý và bị cho là bất lịch sự.

Ngoài ra, bạn cũng không nên đặt điện thoại trên bàn khi đang gặp ai đó. Điều đó có thể khiến họ hiểu là bạn sẵn sàng nói chuyện với người khác dù đang gặp mặt họ.
7. Không kéo ghế hộ người khác

Bạn hoàn toàn có thể kéo sẵn ghế ra từ đầu cho khách của mình, nhưng không nên kéo ghế cho ai đó chỉ vì giới tính của họ. Trong môi trường kinh doanh, những quy tắc ứng xử theo giới tính nên được dẹp qua một bên. Đàn ông hay phụ nữ đều có thể tự kéo ghế cho mình.

8. Không bắt chéo chân

Rất nhiều người, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều có thói quen này. Nhưng hành động này thường gây mất tập trung, hay thậm chí là quá gợi cảm trong môi trường kinh doanh.
9. Không dùng ngón tay để chỉ

Hãy để mở cả bàn tay, và giữ các ngón tay khép lại. Dùng ngón trỏ để chỉ trông sẽ rất hung hăng. Phụ nữ thường có thói quen chỉ bằng ngón tay nhiều hơn đàn ông.
10. Kiểm tra kĩ địa chỉ gửi mail đến

Hãy thật chú ý khi gõ tên người nhận email bởi bạn rất dễ chọn nhầm địa chỉ, và điều đó thì không hay chút nào.
11. Dùng tay để bẻ bánh mỳ

Đừng dùng dao để cắt bánh khi dùng bữa với đối tác. Hãy bẻ đôi bánh rồi xé nhỏ thành từng miếng, và chỉ phết bơ vào miếng bạn chuẩn bị ăn.
12. Không đẩy hoặc xếp đĩa của mình
Bạn không phải là bồi bàn, hãy để những người bồi bàn làm nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, nếu những người khác vẫn chưa ăn xong, họ sẽ cảm giác như đang bị hối thúc. Khi ấy, bạn sẽ bị coi là bất lịch sự.
 
13. Gọi món tương đồng với khách

Điều này có nghĩa nếu khách của bạn gọi món khai vị hay tráng miệng, bạn nên làm theo. Như vậy, bạn sẽ không làm cho khách của mình cảm thấy không thoải mái khi chỉ có mình họ ăn một loại thức ăn.
 14. Không mang thức ăn thừa về

Bạn tới vì mục đích công việc, chứ không phải vì thức ăn thừa. Bạn có thể làm thế khi đi ăn với gia đình, chứ không phải trong những sự kiện chuyên nghiệp.
 15. Cáo lui lịch sự

Hãy xin phép ra về khi bạn đang là người nói. Khi ấy, bạn sẽ ở thế chủ động và việc cáo lui sẽ dễ dàng hơn. Bạn cũng nên chuẩn bị "kịch bản ra về" trong trường hợp cần ngưng cuộc hội thoại. Bạn có thể nói "Thật vui được gặp ông", "Rất vui được nói chuyện với ngài" hay "Hẹn gặp ông vào cuộc họp tuần tới". Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy lý do đi vệ sinh, lấy thêm thức ăn hoặc cần gặp ai đó trước khi họ ra về.
Theo Business Insider/Vnexpress
 
Top