Tại sao soi gương trong khi làm bài thi lại làm giảm hành vi gian lận? Tại sao những người càng sáng tạo, càng có khả năng dối trá nhiều hơn? Bạn đang dùng mô hình gì để nói dối người yêu của mình về cô bồ nhí? Tại sao đọc Mười Điều Răn trước khi làm bài Test lại triệt tiêu hoàn toàn số người gian lận? Tại sao chúng ta đang chống tham nhũng sai cách? Và Tất cả chúng ta đã lầm về bản chất của dối trá như nào?

Chuyện kể rằng một ngày Gary Becker, người đạt giải Nobel kinh tế năm 1993, lái xe đến trường đại học Chicago nhưng bị muộn. Ông không thể tìm thấy một bãi đỗ xe hợp pháp mà ông lại sắp vào họp. Thế là ông tính nhẩm trong đầu. Ông đặt lợi ích của việc đến họp đúng giờ lên một bên và tiền phạt phải trả cho việc đậu xe trái phép sang bên khác. Sau đó, ông so sánh giữa hai cán cân, và cuối cùng quyết định chịu nộp phạt để đi họp đúng giờ.

Từ tình huống đơn giản này, ông khái quát rằng mọi quyết định về dối trá, ăn cắp, phạm tội... đều hoạt động theo kiểu phân tích chi phí/lợi ích đó (cost/benefit analysis), gọi là Mô hình đơn giản về việc phạm tội có lí trí (Simple Model of Rational Crime).
Minh họa giáo sư Gary Becker đang đom đếm chi phí/lợi ích Ảnh: @Dan Ariely
Ví dụ, trước khi quyết định có nên nói thật với gấu rằng thực ra tối qua bạn đã đi gặp một cô gái khác chứ không phải đi đá bóng, cách suy nghĩ của bạn sẽ diễn ra như sau (theo các nhà kinh tế học cổ điển). Bạn tính toán cái lợi đạt được so sánh với cái giá phải trả. Lợi ích của việc nói thật là mình sẽ không phải thấp thỏm lo lắng sự việc sẽ bị bại lộ. Tuy nhiên chi phí của việc tự thú có thể sẽ là lần cuối bạn được nói thật với cô ấy. Bạn so sánh giữa lợi và hại, và đưa ra quyết định cuối cùng: Nói rằng tối qua, mình đã đi đá bóng.

Để kiểm tra mô hình này, nhà tâm lý học Dan Ariely, tác giả của 3 cuốn sách best-seller, giáo sư nổi tiếng về Kinh tế học hành vi của đại học Duke, đã quyết định dùng các thí nghiệm để kiểm chứng qua trò chơi ma trận của ông.
Tìm 2 số có tổng bằng 10. Ảnh: @Dan Ariely
Trong 1 thí nghiệm, các sinh viên phải giải 20 bài toán lớp 3 để có thể kiếm chút tiền uống bia. Có 20 ma trận, mỗi cái có 12 chữ số. Nhiệm vụ của họ tìm ra trong mỗi ma trận 2 chữ số có tổng bằng 10. Ví dụ, trong bảng 1, họ tìm và khoanh tròn 2 con số 4.81 và 5.19, cộng lại bằng 10, tích vào ô "Tôi đã giải được" và cứ thế tiếp tục cho đến ma trận 20. Với mỗi bảng giải đúng, họ sẽ được khoảng 10 nghìn ($0.5), nếu giải đúng hết họ sẽ có 200 nghìn ($10), đủ cho một chầu bia.

Cái khó ở đây là họ chỉ có 5 phút để giải 20 ma trận, vì vậy chỉ có thánh mới lấy được trọn vẹn 200 nghìn của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể gian lận để kiếm toàn bộ số tiền. Nhưng chính việc này làm họ bị rơi vào bẫy của các nhà nghiên cứu.

Theo chỉ dẫn từ trước, khi làm xong bài, thay vì nộp bài cho giám thị, họ sẽ cho bài đó vào máy xé giấy để hủy kết quả, và tự báo cáo họ giải được bao nhiêu ma trận. Ví dụ, nếu trong 5 phút, họ chỉ giải được 6 cái, nhưng họ có thể nói mình giải được tất cả 20/20, và mang về số tiền 200 nghìn. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Gian lận kết quả hay trung thực với năng lực của mình.

Điều họ không biết là dù họ tưởng bài của họ đã bị hủy hoàn toàn, nhưng các nhà nghiên cứu đã tinh ranh thiết kế cái máy đó sao cho chúng chỉ hủy 2 mép giấy, để có thể về kiểm tra và đối chiếu lại kết quả thực tế với kết quả mà các sinh viên nói họ làm được.
Những bài thi chỉ bị xén 2 đầu. Ảnh: @CNBC
Bạn đoán sự chênh lệch có lớn không? Liệu mọi người sẽ đều nói dối, cho dù mình chỉ giải được 5 ma trận , nhưng đều khai khống lên 15 cái? Nếu ta theo Gary Becker và mô hình của ông, thì chúng ta sẽ dự đoán rằng đa số mọi người sẽ gian lận rất nhiều, chỉ giải được 5 nhưng nói khống lên 20.

Điều đáng ngạc nhiên là khi đối chiếu kết quả, trung bình các sinh viên thực sự giải được 4 ma trận và nói rằng mình giải được 6 cái. Đúng là mọi người có gian lận, nhưng không gian lận ở mức độ lớn mà mỗi người chỉ một chút ít.

Trong 40,000 người đã tham gia thí nghiệm trên, có khoảng 70% người đã nói dối. Các nhà nghiên cứu chỉ tìm ra được khoảng 20 người gọi là "Big cheaters", nói rằng mình giải được hết 20 ma trận và lấy mất của các nhà nghiên cứu khoảng 9 triệu đồng ($400). Ngoài đời, họ là những kẻ tham nhũng lớn mà đen đủi bị báo chí phanh phui, như những ông chủ tịch xã lấy trọn cả đàn dê (vốn để dành cho các hộ nghèo). Chúng ta cứ nghĩ rằng, bắt được những người này là hết chuyện.
Big Cheaters và Little Cheaters Ảnh: @CNBC
Tuy nhiên, cũng trong thí nghiệm ma trận trên, có tới hơn 28,000 người gian lận cỡ nhỏ (ví dụ giải được 4, nói thành 6), lấy mất gần 1,1 tỷ đồng của các nhà nghiên cứu ($50,000).

Và điều này phản ánh khá tốt về thực trạng xã hội. Đúng là chúng ta có những ông quan tham, những giám đốc tham nhũng rất lớn, nhưng đó chỉ là số nhỏ và vì vậy tác động kinh tế của họ cũng nhỏ. Phần đông thiệt hại đến từ hàng triệu triệu những người tham nhũng cỡ nhỏ như chỉ ghi thêm 500,000 vào hóa đơn tiếp khách, hay bấu xén chỉ vài chục cân gạo dành người dân cho vùng lũ. Và vì có hàng triệu người như vậy, nên tác động của họ lên xã hội là khổng lồ.

Theo giáo sư Becker, chúng ta sẽ dựa vào 3 yếu tố chính sau để quyết định mình có gian lận hay không: (1) Lợi ích nhận được từ việc thực hiện hành vi sai trái [Như trong ví dụ nói dối người yêu kia là thoát hỏi 1 phiên điều trần trước gấu] (2) Khả năng bị phát hiện (bị tóm) [Nếu gấu của bạn lại có Facebook của các thành viên đội bóng, thì khả năng bị lộ sẽ cao hơn]; và (3) hình phạt dự tính nếu bị phát hiện [Bạn sẽ phải đi tìm gấu mới]. Dan viết trong cuốn sách Bản chất của dối trá: "Thông qua việc so sánh yếu tố đầu tiên (lợi ích) với hai yếu tố sau (thiệt hại), một cá nhân lý trí bình thường có thể quyết định việc vi phạm một tội danh cụ thể có thật sự đáng công hay không."

Trong thực nghiệm thì sẽ thế nào? Để kiểm tra giả thuyết (1), tác giả đã tăng trị giá tiền cho mỗi ma trận giải được, ví dụ vỡi 1 đáp án đúng bạn sẽ nhận được các khoản tiền thưởng chạy từ 2k, 10k, 20k, 40k, 100k, 200k. Các tác giả tìm thấy rằng, số lượng gian lận không phụ thuộc vào giá trị tiền mặt mang lại. Thậm chí với giá trị giải thưởng lên đến 200k/ 1 câu trả lời, mọi người thậm chí còn gian lận ít đi (Họ bắt đầu cảm thấy tội lỗi chăng?).
Khả năng bị tóm Ảnh: @Dan Ariely
Vậy còn giả định thứ (2), (3) về khả năng bị tóm và hình phạt đi kèm thì sao. Với 1 nhóm, các tác giả bảo họ chỉ hủy 1 nửa bài đáp án và nộp 1 nửa còn lại, do đó họ sẽ vẫn để lại 1 nửa bằng chứng về khả năng gian lận của mình. 1 nhóm khác thì được chỉ dẫn hủy cả tờ giấy. 1 nhóm nữa thì được yêu cầu hủy cả tờ giấy, và tự trả tiền cho mình từ tập tiền được đặt trong 1 cái bát.

Điều gì xảy ra? Ngầm định của chúng ta vẫn là nếu khả năng bi bắt càng thấp, thì khả năng phạm tội của tôi sẽ càng cao. (Thử nghĩ, bạn có lấy trộm chiếc Iphone 6s tại cửa hàng không, nếu không bị ai tóm?). Tuy nhiên, một lần nữa, cảm tính của chúng ta lại sai. Các sinh viên cũng chỉ gian lận ở một mức trung bình. Vậy nếu giả thuyết kinh điển này về dối trá đã không được thực nghiệm kiểm chứng, vậy chúng ta cần một mô hình mới để giải thích về hiện tượng này.

Dan Ariely đề ra một lý thuyết mới để giải thích sự dối trá mà ông gọi là Lý thuyết các yếu tố giả dối (Fudge Factor Theory: từ Fudge có nghĩa là việc làm giả dối, ngoài ra danh từ còn có nghĩa là kẹo mềm. NXB Việt Nam dịch là Cấp số giả dối). Chúng ta khi soi gương hàng ngày luôn muốn coi mình là một người liêm chính, tử tế, phẩm giá cao nhưng một mặt khác chúng ta cũng muốn hưởng lợi từ việc gian lận hay lừa dối. Vậy làm sao chúng ta có thể cân bằng được cả 2. Câu trả lời là bạn sẽ cố gắng nói dối, gian lận 1 chút để vừa giữ được hình ảnh tích cực cho bản thân (positive self-image) nhưng không quá mức để vẫn cảm thấy thoải mái về hành động sai trái của mình. Làm sao để kiểm tra giả thuyết này?
Fudge Factor Ảnh: @Dan Ariely
Dan Ariely và các cộng sự đã đến trường đại học California để thử nghiệm với 450 người tham gia. Vẫn với bài toán tìm 2 số có tổng bằng 10 như trước, tuy nhiên 1 nhóm trước khi làm bài sẽ được yêu cầu nhớ lại Mười Điều răn của chúa, 1 nhóm khác được yêu cầu nhớ lại một nội dung bất kì như 10 cuốn sách từng đọc năm cấp 3.

Kết quả là, không một ai trong nhóm nhớ lại Mười Điều răn của chúa gian lận, bất kể họ có nhớ được 1 điều hay 10 điều. Không một ai. Lý do là vì khi nhớ lại các nguyên tắc đạo đức, đặc biệt với những người theo đạo, chúng đã làm sống lại mặc cảm đạo đức trong họ, làm họ không thể biện minh được hành động gian lận của mình (tôi là người ngay thẳng, chính trực, không bao giờ nói khống mà sao tôi lại đi nói khống kết quả). Ở Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng nghiên cứu này vào các bài kiểm tra, bằng cách bắt các thí sinh đọc lại 5 điều Bác Hồ dạy, hay đọc một câu truyện đạo đức về việc nói dối trước khi làm bài.

Hoặc trước mỗi đề thi, nhà trường sẽ in thêm 1 dòng chữ: "Tôi hứa với lòng mình rằng tôi sẽ không bao giờ gian lận. Tôi là một con người sống rất ngay thẳng. Nếu vi phạm, tôi sẽ phải hối tiếc trong suốt phần đời còn lại và phải bị xuống địa ngục. (Thực tế, một giáo sư tại Đại học Trung Tennessee đã làm thế, nhưng bị sinh viên phản ứng dữ dội quá nên ông phải rút lại)." Có thể một số các cách khác như dùng các âm thanh, đồ vật có biểu tượng đạo đức, như bật 1 bài nhạc nền về Kinh Phật trong lúc thi cử chăng?

Phía trên là các cách để giảm yếu tố gian lận, vậy làm sao để gia tăng nó lên? Theo lý thuyết mới của Dan, muốn giúp mọi người gian lận, bạn cần phải làm họ vẫn cảm thấy thoải mái với bản thân, không bị dằn vặt về mặt đạo đức mặc dù rõ ràng mình vừa làm điều sai trái. Có những cách nào để làm được điều đó?

Cách thứ nhất là làm hành vi đó càng cách xa tiền tươi càng tốt. Dan 1 lần đã để thử 6 lon coca vào trong tủ lạnh chung của kí túc và để kèm một chiếc bát đựng 6 tờ $1, có thể dùng để mua những lon coca tại quầy bán hàng tự động ngay bên cạnh. Và chỉ sau 72h, ông thấy những lon coca kia biến mất nhưng đống tiền vẫn con nguyên. Thí nghiệm nhỏ này cho thấy chúng ta sẵn sàng lấy thứ gì đó là vật phẩm, như một vài chiếc bút trong công ty vì chúng ta có thể dễ dàng hợp lý hóa hành động đó hơn với bản thân. Tuy nhiên khi lấy tiền tươi, chúng ta khó có thể "sáng tạo" ra lý do nào ngoài sự thực là chúng ta đang ăn trộm.
Trả tiền bằng Totem Ảnh: @Dan Ariely
Tất nhiên, đây không phải là thí nghiệm lý tưởng. Tác giả đã kiểm chúng lại chúng với thí nghiệm ma trận trên, chỉ khác ở chỗ, thay vì nói "Tôi đã giải xong X ma trận, hãy đưa tôi X đô-la", các sinh viên sẽ nói: "Tôi đã giải xong X ma trận, hãy đưa tôi X Token", và cầm số Token đó đi đổi lấy tiền mặt ở một chiếc bàn cách đó 4 m.

Kết quả là, số người gian lận tăng lên gấp đôi. Đây là một nghiên cứu cho thấy rủi ro của việc áp dụng ngày càng rộng rãi tiền ảo (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, bitcon) bởi vì chúng xa cách nhiều với tiền tươi, làm mọi người càng dễ "tự chính đáng" hành vi của mình.

Cách thứ hai là cung cấp những tấm gương về việc người khác cũng gian lận. Trong thí nghiệm để kiểm tra giả định này, các nhà nghiên cứu có cài đặt 1 người cùng tham gia làm bài. Anh ta ngồi ngay giữa lớp để mọi người có thể trông thấy. Và chỉ 60 giây sau khi được phát đề, người đóng giả này đột nhiên đứng lên, tuyên bố mình đã giải được hết 20 ma trận và ra về với số tiền trong tay.

Liệu các sinh viên còn lại, sau khi chứng kiến hành vi này, có bắt chước và gian lận nhiều hơn không? (Kiểu gì hắn ta cũng gian lận, mình còn chưa kịp nhìn đề, hắn đã giải xong, mình có nên học theo hay không?) Câu trả lời là số người gian lận tăng lên rất nhiều. Nguyên do chính là mọi người đã dùng bằng chứng xã hội (social proof) để hợp lý hóa hành vi dối trá của mình, nghĩa là nếu anh ta cũng gian lận, thì tội gì tôi không làm. Nếu mọi người dùng Win không bản quyền, và tại sao tôi phải khác đi. (Một sự hợp lý hóa tuyệt diệu).
1 người đóng giá trong thí nghiệm Ảnh: @Dan Ariely
Nhưng chúng ta chỉ bắt chước những người giống mình (inside group). Trong 1 thí nghiệm khác, kẻ giải bài siêu nhanh được cho mặc áo đồng phục của một trường khác các sinh viên làm thí nghiệm. Anh ta cũng đứng lên chỉ sau 60 giây khi phát đề, nói rằng mình đã giải xong toàn bộ, lấy tiền và ra về.

Kết quả là, hành vi gian lận trong trường hợp này lại giảm xuống. Lúc này, do mọi người đã nhận diện được sự khác biệt, giữa "tôi" và "hắn", nên họ có thể sẽ suy nghĩ rằng: "Trường hắn thì mới làm thế. Còn mình, mình là người trong sạch."

Tới giờ, chúng ta đã tìm ra 2 cách để khiến mọi người gian lận nhiều hơn. Cách thứ nhất là giảm sự liên quan trực tiếp tới tiền tươi. Cách thứ 2 là gia tăng sự chấp nhận về mặt xã hội. Vậy liệu tính cách có ảnh hưởng đến khả năng gian lận không?

Khi các nhà nghiên cứu tiến hành chụp não của 12 người mắc bệnh nói dối, và so sánh não họ với 21 người bình thường khác, họ thấy rằng những người nói dối kinh niên sở hữu ít hơn 14% chất xám so với nhóm có kiểm soát, nhưng lại có nhiều hơn 22%-26% chất trắng.

Chất xám là tập hợp các nơ-ron thần kinh và là nguồn cung cấp năng lượng chính cho tư duy. Dan viết: "Do những người mắc bệnh hay nói dối có ít tế bào não (chất xám) hơn để cung cấp năng lượng cho vỏ não trước (phần não bộ then chốt giúp phân biệt đúng sai), nên họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp thu các vấn đề đạo đức, và do đó sẽ dễ nói dối hơn."

Chất trắng là hệ thống liên kết các nơ-ron. Dan viết tiếp rằng: "Do có nhiều chất trắng hơn, những người mắc bệnh lý nói dối sẽ tạo dựng được mối liên hệ tốt hơn giữa trí nhớ với ý tưởng; có lẽ, khả năng kết nối được nâng cấp này – cùng với khả năng truy cập mạng lưới liên tưởng có trong chất xám – cũng chính là thành tố bí mật làm nên những kẻ nói dối bẩm sinh."

Nếu theo lý luận thì những người sáng tạo, những người có khả năng liên kết các ý tưởng tốt hơn cũng có thể nói dối nhiều hơn. Và thực nghiệm cho thấy điều đó. Cũng với thí nghiệm ma trận trên, tác giả đo thêm chỉ số sáng tạo của người tham gia và đo mức độ gian lận của họ, và đúng là càng sáng tạo, khả năng dối trá của họ càng cao.

Trong 1 trường hợp khác, họ còn cho các sinh viên làm một số bài tập nâng cao khả năng sáng tạo trước khi giải ma trận, và kết quả tìm ra cũng tương tự. Khi khả năng sáng tạo của họ được tăng lên chút ít, khả năng gian lận của họ cũng cao lên.

Dan cũng vào các công ty quảng cáo và kiểm tra mức độ dao động đạo đức (moral flexibility) của nhân viên ở các phòng ban khác nhau. Họ thấy rằng những người phải làm những công việc đòi hỏi sự sáng tạo thì càng dối trá nhiều hơn, ví dụ như phòng kế toán thì gian lận ít hơn phòng sáng tạo.
Tóm lại, nếu chúng ta bám vào mô hình lợi ích/chi phí cũ, thì nó không thể giải thích nhiều về các hành vi dối trá chúng ta. Chúng ta cũng nhầm tưởng rằng, gian lận đến từ 1 số nhóm nhỏ, tham nhũng lớn (1, 2 bad apples trong 1 rừng táo chuẩn) hơn là đến từ 1 số đông, nhưng chỉ gian lận chút ít.
Giúp mọi người liên tưởng đến đạo đức làm giảm hành vi gian lận của họ. Ảnh: @Dan Ariely
Chúng ta cũng biết được rằng nói dối liên quan trực tiếp đến khả năng hợp lý hóa (rationalize) hành vi của chúng ta. Bạn sẽ nói dối, gian lận, tham nhũng... miễn là bạn vẫn có thể biện hộ với chính bản thân rằng hành vi bạn làm là đúng đắn. (Nếu bạn xem các phim tâm lý, quá trình tự lừa dối bản thân này diễn ra rất phức tạp. Các nhân vật vẫn kiên quyết mình làm hoàn toàn đúng tới tận khi bị bắt. Một lý thuyết cho rằng sở dĩ con người dối trá tuyệt vời hơn nhiều được so với các loài động vật khác là vì ta có khả năng nhận thức, lập luận vô cùng cao cấp.)

Nếu theo mô hình chi phí/lợi ích truyền thống, chúng ta sẽ làm gì để giảm tham nhũng quốc gia? Gia tăng hình phạt thật nặng, tập trung vào một vài cá nhân có khả năng tham nhũng lớn. Hoặc, chúng ta có thể sử dụng mô hình tốt hơn của Dan để đưa ra những biện pháp như liên tục nhắc nhở mọi người về đạo đức của họ (Như viết 10 điều trong kinh thánh trước khi làm bài thi, lắp 1 tấm gương trước mặt để họ tự nhìn thấy hành vi dối trá của mình và từ đó không thể lừa dối được).
Cuốn sách thứ 2 của giáo sư Dan Ariely, xuất bản tại Mỹ năm 2012, tại Việt Nam năm 2014 Ảnh: @Alpha Books
Trong cuốn sách Bản chất của dối trá, Dan có kể 1 bài học rất hay về vai trò của chiếc khóa cửa. Xin trích lại từ bản dịch như sau: "Trong chúng ta luôn có 1% lương thiện không bao giờ trộm cắp của ai, trong khi 1% khác lại luôn xảo trá và luôn muốn bẻ khóa cửa nhà để lấy đi chiếc ti-vi. Riêng 98% còn lại [là phần lớn những người đang đọc bài viết này] sẽ lương thiện miễn là mọi thứ ở đúng chỗ của nó – nhưng nếu không thắng được cám dỗ, chúng ta cũng xảo trá nốt.

“Ổ khóa không bảo vệ được cậu khỏi kẻ trộm, những kẻ dư sức vào được nhà cậu nếu chúng muốn. Ổ khóa chỉ bảo vệ cậu trước những người trung thực bị cám dỗ vặn thử cửa nhà cậu xem có khóa hay không thôi."

"Sau khi ngẫm nghĩ về những nhận xét trên, tôi bắt đầu tin rằng người thợ khóa đã nói đúng. 98% còn lại trong chúng ta không xấu xa, cũng không lường gạt người khác mỗi khi có cơ hội; nói đúng hơn, có lẽ hầu hết chúng ta đều cần được nhắc nhở để luôn vững bước trên con đường đúng".
Tham khảo thêm và đọc mở rộng:
Ảnh bìa: @NPR
 
Top