Lĩnh vực thời trang, bán lẻ đang tạo ra nhiều tỉ phú thứ 2 thế giới.

Tỉ phú có thể được sản sinh ra ở bất kỳ ngành nghề nào nhưng theo thống kê của tạp chí Forbes thì một số lĩnh vực có thể tạo ra nhiều tỉ phú vượt trội hơn hẳn.

Cụ thể, ngành công nghiệp có khả năng tạo ra nhiều tỉ phú nhất là tài chính và đầu tư: Lĩnh vực tạo ra 267 tỉ phú, chiếm 15% trong tổng số 1.810 tỉ phú toàn thế giới. Con số này bao gồm cả những ông chủ quỹ đầu tư và công ty môi giới như gia đình Charles và Rupert Johnson hay Charles Schwab.

Quy tắc ở đây rất đơn giản: Những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính đầu tư họ kiếm tiền cho người khác, đặc biệt là những người đang có rất nhiều tiền và từ đó tạo ra khối tài sản khổng lồ cho chính mình. Danh sách bao gồm cả những nhà đầu tư như Buffett và Carl Icahn – những người sở hữu các công ty khổng lồ trên thế giới.

Lĩnh vực thứ 2 tạo ra nhiều tỉ phú nhất rất đáng chú ý đó là thời trang và bán lẻ. Có tới 221 tỉ phú trên thế giới đang hoạt động trong lĩnh vực này từ những ông trùm như gia đình nhà sáng lập Walmart hay những người tạo ra các thương hiệu thời trang lừng danh thế giới như Ralph Lauren và Giorgio Armani.

Đặc biệt nếu để ý sẽ thấy Stefan Persson, chủ tịch hội đồng quản trị của thương hiệu thời trang H&M là người giàu nhất Thụy Điển với khối tài sản 20,2 tỷ USD, theo tạp chí Forbes.
Tương tự, tại Nhật Bản, Tadashi Yanai - người sáng lập Fast Retailing Co., tập đoàn có hơn 80% lợi nhuận từ thương hiệu Uniqlo đang là người giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản 17,1 tỷ USD.

Còn tại Tây Ban Nha, cái tên Amancio Ortega, ông chủ của hãng thời trang Zara luôn khiến mọi người ngưỡng mộ về khối tài sản kếch xù 75,1 tỷ USD. Tại Hà Lan, người đang nắm giữ vị trị của gia tộc giàu có nhất là gia đình Brenninkmeijer với thương hiệu thời trang C&A. Gia đình giàu có nhất tại Ireland trong 8 năm liên tiếp là Westons, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Primark.

Chính vì vậy không quá ngạc nhiên khi thời trang và bán lẻ là lĩnh vực tạo ra nhiều tỉ phú nhất ở riêng khu vực châu Âu, chiếm tới 21% tổng tài sản của những người giàu có nhất ở đây.

Ngoài ra còn có một số lĩnh vực khác như bất động sản, công nghệ... Dưới đây là top những lĩnh vực tạo ra nhiều tỉ phú nhất do Forbes thống kê:

1. Tài chính và đầu tư: 267 tỉ phú, chiếm 15%.
2. Thời trang và bán lẻ: 221 tỉ phú, chiếm 12%.
3. Bất động sản: 163 tỉ phú, chiếm 9%.
4. Công nghệ: 159 tỉ phú, chiếm 9%.
5. Sản xuất: 157 tỉ phú, chiếm 9%.
6. Đa ngành nghề: 145 tỉ phú, chiếm 8%.
7. Thực phẩm, đồ uống: 141 tỉ phú, chiếm 8%.
8. Chăm sóc sức khỏe: 113 tỉ phú, chiếm 6%.
9. Năng lượng: 80 tỉ phú, chiếm 4%.
10. Truyền thông và giải trí: 74 tỉ phú, chiếm 4%.

Tuy nhiên nhìn chung, điểm chung giữa các tỉ phú là họ hiếm khi sinh ra đã tự dưng trở nên giàu có. Thay vào đó, họ theo đuổi đam mê và giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trên thế giới mà không ai dám hoặc chưa giải quyết được.

Nhìn vào lĩnh vực bán lẻ quần áo có thể thấy, đa số ông chủ của những hàng thời trang "mì ăn liền" như Zara, H&M hay Uniqlo trở nên giàu có nhanh chóng và bền vững là bởi họ nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng với một sản phẩm vốn là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người (quần áo). Tận dụng chi phí rẻ, sản xuất hàng loạt và thu hút được khách hàng.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes
 
Top