Trong cuốn sách "Cha mẹ nên dạy gì cho con cái", Giáo sư Toyama Shigehiko, nhà văn, nhà ngôn ngữ, nhà phê bình giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản đã đưa ra 5 quan điểm giáo dục cực hay, đáng để cho mọi bậc phụ huynh tham khảo.


Thực tế, nuôi dạy con cái là những kinh nghiệm vừa có thể kế thừa, vừa không thể kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, bởi việc dạy con ở mỗi thế hệ với hoàn cảnh kinh tế, xã hội khác nhau lại có những yêu cầu đòi hỏi khác nhau. Tuy nhiên, như đã nói, có những nguyên tắc nuôi dạy con được coi là những nguyên tắc kinh điển, có thể áp dụng cho mọi thế hệ, mọi hoàn cảnh.

Cuốn sách "Cha mẹ nên dạy gì cho con cái" của Giáo sư người Nhật Toyama Shigehiko, có thể cung cấp cho bạn một số nguyên tắc. Blogger Việt Hà - tác giả của nhiều bài viết giới thiệu sách về kỹ năng, nuôi dạy con cái - có bài viết gửi về, chúng tôi xin đăng tải lại như sau: 

Quan điểm đầu tiên "Mẹ là người thầy vĩ đại đầu tiên của trẻ". Giáo sư Toyama Shigehiko cho rằng, từ khi sinh ra, trẻ đã bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, đó cũng là lúc cha mẹ cần bắt tay ngay vào việc giáo dục. Một người mẹ biết cách giáo dục sẽ uốn nắn được rất nhiều điều cho con mà trường học không thể làm được sau này.

Trẻ nhỏ không chỉ cần được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, mà còn cần được dạy dỗ từ lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nhờ đó trí não của trẻ được phát triển. Những đứa trẻ thiếu hụt ngôn ngữ tuổi mẫu giáo sẽ khiếm khuyết năng lực giao tiếp. Khi mang nặng tâm lý của mình về sự kém cỏi so với người khác, trẻ sẽ không tự tin và nhút nhát trong giao tiếp.

Bên cạnh đó, chúng sẽ hình thành thái độ phản kháng, để bảo vệ mình một cách bản năng. Và khi đó những gì cha mẹ, nhà trường cần dạy dỗ sẽ không thể đi xa hơn. Thực tế, mẹ là người tạo dựng nên tâm hồn của trẻ lên ba, để tâm hồn, cốt cách đó theo bé đến trọn đời. 

Quan điểm thứ hai, giáo dục trẻ cần biện pháp mềm mỏng hay cứng rắn thì phải căn cứ theo từng đứa trẻ. Có câu thành ngữ “anh đào cắt là hỏng, mơ không cắt là hỏng”. Trồng anh đào không được cắt cành, trong khi đó mơ thì phải cắt cành mới có thể đậu quả. Trẻ con cũng có đứa giống như anh đào, có đứa giống cây mơ. Cha mẹ cần phải xem xét tính cách của đứa trẻ rồi mới quyết định theo giáo dục theo kiểu mơ hay kiểu anh đào mới được.

Và dù chọn theo cách nào, cha mẹ cũng cần phải nhớ: Cha mẹ phải làm gương cho con cái: từ cách ăn nói, đến hành xử hàng ngày.


Hãy tạo khoảng cách đủ rộng với những đứa trẻ mà chúng ta yêu thương, để chúng tự làm những chuyến lữ hành của cuộc đời mình - đó là lời nhắn nhủ của Cha mẹ nên dạy gì cho con cái.
"Hãy tạo khoảng cách đủ rộng với những đứa trẻ mà chúng ta yêu thương, để chúng tự làm những chuyến lữ hành của cuộc đời mình" - đó là lời nhắn nhủ của "Cha mẹ nên dạy gì cho con cái".


Quan điểm thứ ba, khi dạy con cha mẹ cũng đừng thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ, từ việc ăn uống cho đến các thú vui khác. Nếu đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện, thì chúng sẽ có cơ hội làm được mọi điều mình mong muốn một cách dễ dàng, vì thế chúng không có nhu cầu phải cố gắng, không có mong muốn học tập. Những kẻ đủ đầy, sung túc quá thường biếng nhác, chỉ biết hưởng thụ, nhát gan và chẳng dám mạo hiểm. Đây là nguyên nhân của việc như thế hệ thứ nhất cố gắng mua nhà, thế hệ thứ hai thì giữ nhà, thế hệ thứ ba thì treo biển bán nhà.

Đứa trẻ sinh ra trong gia đình thiếu thốn thường muốn có thứ này, mong làm thứ kia nhưng không được toại nguyện. Chính vì vậy ý chí của chúng rất cao, nỗ lực phấn đấu để vượt qua hoàn cảnh hiện tại. Việc huấn luyện mãnh thú cũng tương tự. Nếu bỏ đói và bắt chúng làm theo ý mình, rồi thưởng cho chúng miếng ngon khi chúng làm theo yêu cầu thì sẽ huấn luyện được chúng. Nhưng nếu cứ cho chúng ăn uống no căng thì chúng sẽ lăn quay ra ngủ và chẳng thèm động đậy. Các bậc cha mẹ không nên bao bọc con cái quá mức vì như vậy sẽ làm giảm ý chí và đánh mất sự can đảm của con trẻ. 

Quan điểm nuôi dạy con thứ tư của Giáo sư Toyama Shigehiko là các bậc cha mẹ cần phải dũng cảm "cai sữa cho con". Căn nguyên của những vướng mắc trong giáo dục hiện nay nằm ở việc các bậc phụ huynh không chịu "cai sữa cho con". Họ nghĩ rằng con họ chỉ cần có tri thức là đủ và không muốn để chúng rời xa vòng tay của mình. Sự giao lưu tương tác của chúng với những đứa trẻ khác, với xã hội diễn ra hời hợt, chỉ có cơ thể của chúng dần lớn lên.

Cây con không thể lớn khi núp bóng dưới cây mẹ. Vì vậy, khi trẻ đã lớn, cha mẹ cần tạo khoảng cách với tâm hồn của trẻ, cho trẻ không gian để phát triển. Hãy để những đứa trẻ chúng ta yêu thương tự làm những cuộc lữ hành của cuộc đời chúng. Bởi chúng không thể hiểu được những điều mà chúng không trải nghiệm và cái tâm con người là được tìm ra "giữa chốn con người".

Nhiều bậc cha mẹ thường nuông chiều con cái, không bao giờ phải để con chịu khổ, khiến nhiều đứa trẻ ương ngạnh, không biết nghĩ đến cảm nhận của người khác. Vì thế, chúng không thích vui chơi với bạn bè, mà thích vui chơi với bố mẹ hơn vì được nuông chiều thỏa thích. Nên nếu cha mẹ cứ thương con quá mức, thì con cái sẽ chẳng bao giờ “thành quả”. 

Quan điểm thứ năm cũng là quan điểm cực kỳ sáng giá trong cuốn sách Cha mẹ nên dạy gì cho con cái của Giáo sư Toyama Shigehiko: Yêu cầu phải đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi chính là bi kịch của nền giáo dục. Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đề thi thường rất khó, nên rất hiếm học sinh có thể đạt được điểm tuyệt đối (chưa kể khi có học sinh đạt được điểm tuyệt đối, người ta lại dấy lên nghi ngờ là có hay không chuyện lộ đề thi). Vì vậy, đạt điểm tuyệt đối là một mục tiêu phi thực tế.

Quan điểm phải đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi khiến cả giáo viên lẫn học sinh dẫu cố gắng đến đâu cũng vấn nghĩ rằng mình chưa đạt yêu cầu. Đối với những học sinh có cố gắng nhưng vẫn còn khuyết điểm, nếu giáo viên chỉ nhấn mạnh đến những khuyết điểm, mà quên đi những lời động viên ấm áp thì chủ nghĩa điểm tuyệt đối đồng nghĩa với chủ nghĩa phi con người.

Ở trường học những nỗ lực của học sinh không được khen ngợi, ngược lại các em chỉ nhận toàn được những lời khiển trách về khuyết điểm của mình. Điều này sẽ khiến các em chán nản, buông xuôi, mất đi hứng thú học tập.

Giáo sư Toyama Shigehiko cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách suy nghĩ. Nhà trường, thầy cô cần vứt bỏ chủ nghĩa điểm tuyệt đối để đi theo chủ nghĩa điểm 0. Lấy điểm 0 làm chuẩn để đánh giá học tập, có như vậy mới khích lệ được các em trong học tập.

Và ở vai trò làm cha mẹ, các bậc phụ huynh càng cần phải động viên, khích lệ trẻ hơn nữa. Bởi bất cứ đứa trẻ nào cũng có những ưu điểm riêng, cha mẹ phải để mắt và tìm ra được điều đó. Thường xuyên được khích lệ trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, phát huy được thế mạnh và dần sửa được khuyết điểm của mình.

Cá nhân tôi cho rằng, cuốn sách này là một món quà tuyệt vời mà mỗi bậc phụ huynh có thể dành tặng cho các thầy cô giáo của con mình, để ít nhiều có thể góp phần thay đổi môi trường giáo dục của chính con mình.
Theo Trí thức trẻ
 
Top