Sergey Brin được cấp bằng tiến sĩ từ khi còn là sinh viên ở trường đại học Stanford. Đó cũng là thời điểm Brin sáng lập “ông vua tìm kiếm” - Google - cùng với người bạn Larry Page.


Sergey Brin vốn là “con nhà nòi” về khoa học bởi bố ông là giáo sư toán tại trường đại học danh tiếng Maryland còn mẹ là chuyên gia nghiên cứu của NASA. Chính vì thế, dù không có tố chất của một doanh nhân như Larry Page nhưng niềm say mê với khoa học công nghệ trong con người ông dường như không bao giờ cạn.

Khi bắt đầu thành lập Google bản thân Sergey Brin không hề nghĩ rằng nó sẽ thành công trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu như hiện nay. Ông cũng chưa bao giờ tưởng tượng bản thân sẽ đứng ở Diễn đàn kinh tế thế giới với tư cách là người sáng lập Google Alphabet - một trong bốn tập đoàn quyền lực nhất thế giới. Brin chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải tạo lập một công cụ tìm kiếm trên Internet hữu ích cho tất cả mọi người và lấy đam mê làm động lực thực hiện ước mơ của mình.


Mặc dù Alphabet Inc. là tập đoàn thống trị thế giới nhưng Brin vẫn khiêm tốn chia sẻ thành công mà ông có được là do may mắn. “Nếu tôi nói với các bạn về tất cả những điều tôi làm khi thành lập Google thì có lẽ chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, các bạn nên hiểu rằng muốn đạt được thành công thì phải biết nắm bắt cơ hội”, nhà sáng lập Google chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế thế giới.

Theo Sergey Brin, quan điểm này không chỉ áp dụng trong kinh doanh mà còn đúng với mọi mặt trong cuộc sống.

Một vài năm trước đây, Sergey Brin đã đánh giá thấp và bỏ qua nhiều nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) của Google. Ông cho rằng, đó là những nghiên cứu không khả thi nhưng hiện nay, bộ phận nghiên cứu AI của công ty đã có những thành tựu không tưởng. Qua đó, Sergey Brin nhận thấy một điều rằng tương lai là không thể dự đoán. Chỉ cần cố gắng và quyết tâm, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.

Sergey Brin cũng đem bài học trong sự nghiệp của ông để đưa ra lời khuyên và khuyến khích nhân viên. Đó là phải thử nghiệm và không ngừng đổi mới. Cuộc cách mạng công nghệ là không ngừng phát triển và đổi mới. Nó không giống với cách mạng công nghiệp hay ruộng đất. Điều mà bạn nên làm là phải nắm bắt cơ hội và phát huy tối đa năng lực để phát triển không chỉ bởi lợi ích cá nhân mà còn vì lợi ích cộng đồng.

“Tôi hi vọng rằng công nghệ sẽ giúp con người gánh vác nhiều nhiệm vụ. Nó sẽ giúp chúng ta sáng tạo hơn và có một cuộc sống ý nghĩa hơn”. Sergey Brin cho rằng sự phát triển của công nghệ ngày nay đem đến những cơ hội chưa từng có cho những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, đó không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức thú vị trên con đường của những người thành công: “Thực tế, không ai thành công mà không phải trải qua thử thách dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Đó là giai đoạn khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội để bạn phát triển trên con đường sự nghiệp. Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên nắm bắt cơ hội nhanh, chính xác để theo đuổi đam mê và ước mơ của mình. Quan trọng vẫn là hành động để thực hiện ước mơ chứ không phải chỉ dừng lại ở lời nói”.

Tất nhiên không phải ai khởi nghiệp cũng thành công nhưng nên nhớ nếu bạn tự đi bằng đôi chân của mình thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh đó, nhà sáng lập của Google cũng muốn truyền tải thông điệp nhấn mạnh mục tiêu của các doanh nghiệp trong tương lai phải chuyển từ mục tiêu cá nhân sang mục tiêu xã hội, từ lợi ích cá nhân sang lợi ích cộng đồng. Mỗi cá nhân nên làm việc với mục đích chung không phải chỉ vì tiền hay lợi ích của bản thân.

Đặc biệt, một nhà lãnh đạo thì không thể có lối suy nghĩ hạn hẹp. Nếu bạn nghĩ rằng: “Ồ đây là doanh nghiệp của mình, mình làm vì lợi ích của mình mà chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh thì bạn không bao giờ có tư cách trở thành một nhà lãnh đạo”.
Nguyễn Nguyễn
Theo Trí thức trẻ/Entrepreneur
 
Top