Trong giới doanh nhân khởi nghiệp ở Hồng Kông, hầu như ai cũng biết đến Danny Yeung, cựu CEO khu vực châu Á của trang web mua chung Groupon.

Hành trình kinh doanh của Danny Yeung bắt đầu từ năm 12 tuổi, khi anh bắt đầu kinh doanh thẻ hình các vận động viên bóng chày. Từ đó, Danny đã học được tầm quan trọng của việc định giá, và đàm phán như thế nào để có được hợp đồng tốt nhất. Lúc còn là sinh viên đại học, anh đã có thu nhập 150.000 USD/tháng. Sau đó, Danny tham gia một loạt dự án kinh doanh khác như kinh doanh đồ tráng miệng kiểu Hồng Kông ở San Francisco, hay các hợp đồng đồ nội thất trị giá hàng tỷ USD ở Vegas.

Từng là lãnh đạo khu vực châu Á của Groupon, Danny đã dẫn dắt chi nhánh tại đây đạt doanh thu hàng năm 130 triệu USD.
                                    
Thành tích nổi tiếng nhất của Danny là việc bán lại trang web mua chung UBuyIBuy.com cho Groupon chỉ 6 tháng sau khi thành lập mà không có kinh nghiệm gì về thương mại điện tử. Trong vòng 4 năm sau đó, chi nhánh châu Á của Groupon do Danny làm CEO đã đạt doanh thu hàng năm 130 triệu USD.
Dưới đây là một số bài học quý giá mà Danny đã học được trong suốt hành trình kinh doanh của bản thân.

1. Không cần phải có nhiều kinh nghiệm để trở thành doanh nhân thành đạt

Hiện tại, Danny đang vận hành công ty khởi nghiệp thứ 4 của mình. Có một điểm chung của tất cả các công ty do anh thành lập là lần nào Danny cũng nhảy vào những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới mẻ dù chưa có kinh nghiệm gì cả.

Công ty đầu tiên do Danny thành lập chuyên bán các món tráng miệng làm từ xoài theo kiểu Hồng Kông ở thành phố San Francisco. Ý tưởng này bắt nguồn từ việc Danny quan sát thấy số lượng người Trung Quốc tại thành phố này ngày càng gia tăng, và anh nhận ra rằng nếu chọn đúng sản phẩm có thương hiệu mạnh, anh sẽ có rất nhiều khách hàng.

Danny nhận thấy cơ hội với Hui Lau Shan (HLS), chuỗi cửa hiệu bán món xoài tráng miệng kiểu Hồng Kông. Không chút do dự, anh đã gọi điện thoại cho chủ sở hữu của HLS và cho biết anh sẵn lòng chi tiền để được nhượng quyền kinh doanh thương hiệu tại Mỹ. Nhận thấy không có gì để mất, HLS đồng ý ngay với đề nghị của Danny.

Cửa hàng Hui Lau Shan đầu tiên tại Mỹ, do Danny Yeung mở ra. Ảnh: SFGate

Sang đến dự án kinh doanh thứ nhì chuyên về đồ nội thất khách sạn, Danny cũng chẳng có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này. Một lần nữa, sau khi nghiên cứu thị trường Mỹ và nhận ra có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng nội thất với giá cả phải chăng, anh đã chủ động liên hệ với các nhà sản xuất đồ gỗ ở Trung Quốc. Sự kiên trì đã giúp Danny có được một dự án với giá trị lên đến 5 tỷ USD để cung cấp đồ nội thất cho 2.000 phòng tại khách sạn MGM ở Las Vegas.

Dự án kinh doanh thứ 3 cũng chính là dự án mang lại nhiều tiếng tăm nhất cho Danny: bán lại công ty mua chung UbuyIBuy.com cho Groupon chỉ 6 tháng sau khi được thành lập ở Hồng Kông. Một lần nữa, mặc dù không có kinh nghiệm trong thương mại điện tử hoặc bán lẻ nhưng Danny đã thành công lớn trong việc sao chép lại mô hình dịch vụ mua chung ở phương Tây và đưa nó vào thị trường châu Á.

Sau khi rời Groupon, Danny lại bắt đầu tìm kiếm những ngành kinh doanh mà mình chưa từng trải
nghiệm trước đó, nơi anh có thể tạo ra những thay đổi đáng kể. Nhận thấy có hai lĩnh vực đáng chú ý là giáo dục và y tế, Danny đã lựa chọn ngành y tế, dù biết rằng nó “khó nhằn” hơn nhiều so với giáo dục. Rất ít doanh nhân sẽ dám đặt chân vào lĩnh vực này khi chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, đối với Danny thì khác, trong vòng 24 tháng sau khi anh trở thành CEO công ty Prenetics, đến nay hãng này đã trở thành công ty xét nghiệm gene lớn nhất ở Đông Nam Á với hơn 55 nhân viên.

Bài học rút ra ở đây là để thành công, bạn cần phải kiên trì và không ngại những lời dèm pha, và thực ra không cần nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đã chọn.

2. Ý tưởng rất quan trọng, nhưng cách thức thực hiện còn quan trọng hơn.

Vào tháng 12 năm 2010, một người bạn thân đã gửi tin cho Danny về việc Groupon vừa gọi vốn được 950 triệu USD, khiến anh ngay lập tức nhìn thấy giá trị trong mô hình kinh doanh của họ.

“Việc đầu tiên tôi làm là gọi cho người anh họ của tôi (người đang điều hành cửa hàng HLS) và hỏi ‘Chúng ta có thể thử xài Groupon trong cửa hàng của anh được không?’ Tôi muốn thấy trải nghiệm người dùng của Groupon và xem liệu nó có thực sự hiệu quả trong việc thu hút khách hàng mới. Trong vòng 1 tuần, chúng tôi đã thỏa thuận xong với Groupon, và kết quả là chúng tôi có thêm 500 khách hàng mới trong vòng 24 giờ.”

Phòng thí nghiệm tại Prenetics, công ty hiện nay của Danny. Ảnh: Prenetics

Sau khi thử nghiệm và thấy được hiệu quả của mô hình mua chung tại San Francisco vào tháng 2, sang tháng 3 Danny ngay lập lên máy bay về Hồng Kông.

“Tôi biết rằng mình cần phải về Hồng Kông vì tôi yêu thích ý tưởng này, nhưng quả thực không có cách nào để tôi cạnh tranh với Groupon tại thị trường Mỹ. Tôi phải chọn một nơi khác”.

Khi Danny đến Hồng Kông, anh biết rằng mình phải hành động nhanh chóng, vì đã có 4 đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực mua chung tại thị trường này. Trong vòng vài tháng sau khi thành lập, Danny đã ký hợp đồng kinh doanh đầu tiên của mình tại Hồng Kông và Đài Loan. 3 tháng sau khi UBuyIBuy ra mắt, đã có đến 57 đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Bí quyết giúp Danny chiến thắng trong cuộc đua dịch vụ mua chung tại một thị trường nhỏ như Hồng Kông chính là tốc độ triển khai. Danny không phải là người đầu tiên trên thị trường, nhưng anh là người giỏi nhất. UBuyIBuy nhanh chóng trở thành công ty dẫn đầu thị trường với doanh thu tăng trưởng vượt trội.

3. Luôn luôn chủ động, nhưng phải chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo.

Nhiều người tự hỏi làm thế nào Danny có thể “chào hàng” UBuyIBuy với Groupon chỉ 6 tháng sau khi thành lập. Tại sao Groupon lại chọn mua lại công ty này thay vì bất kỳ một công ty nào khác trong số 57 đối thủ đã có mặt trên thị trường Hongkong vào thời điểm đó?

Trang web của UBuyIBuy

Danny cho biết: “Tôi là người duy nhất chủ động tiếp cận với Andrew Mason - CEO của Groupon - qua điện thoại,. Bán hàng là cả một khoa học, bạn phải cung cấp thông tin để họ có thể đưa ra quyết định. Do đó hãy chuẩn bị mọi thứ chu đáo trước khi hành động”.

Trong vòng một tuần, anh đã nhận được cuộc gọi phản hồi từ nhóm M&A của Groupon, họ yêu cầu thêm thông tin và số liệu để xem những gì Danny nói về UBuyIBuy có thực sự đúng hay không. Danny đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo, do đó anh kịp thời cung cấp mọi thứ họ cần. Vài ngày sau, Danny bay tới Chicago và hoàn thành phi vụ bán UBuyIBuy cho Groupon.

4. Khách hàng luôn luôn đúng


Trong mọi hoạt động kinh doanh của mình, Danny không bao giờ bỏ quên khách hàng. Ở bất kể lĩnh vực nào, điều duy nhất cho phép Danny thành công chính là đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Sau khi xác định rõ ưu thế riêng của mình, Danny đã có thể giải quyết vấn đề cung và cầu và mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng của mình.

NCĐT/TechInAsia
 
Top