“Với tôi, khi giao việc cho nhân viên, dù khó khăn mấy cũng không cho thời gian dài. Vì nếu cho họ thời gian dài thì họ sẽ lùi đến ngày mai, ngày kia, khi có việc khác thì lại vội vàng cuống lên và cuối cùng là than phiền về công việc. Như vậy, kết quả chẳng ra gì cứ nối tiếp nhau mà đến”, ông Chung Ju Yung, người sáng lập ra Tập đoàn Hyundai nhận định.
 
Thành bại cuộc đời chính là ở hành động và thời gian

Hyundai là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc. Sự thành công của Hyundai ngày nay có sự đóng góp không nhỏ từ vị Chủ tịch quá cố Chung Ju Yung. Một trong những bài học mà vị chủ tịch này để lại cho hậu thế, đó là cách sử dụng thời gian, bởi, như ông từng đúc kết, mọi thành bại cuộc đời đều bắt nguồn từ đó.

Trong hồi ký của mình, Chủ tịch Chung Ju Yung nhớ lại thời điểm năm 1962 khi ông xây dựng nhà máy sản xuất xi măng Danyan.

“24 tháng trời kể từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn công, cuối tuần nào tôi cũng bắt tàu đêm ở ga Chongrangri xuống công trường. Thưở ấy, công nhân nhà máy gọi tôi là “con hổ”, cứ chiều thứ 6 họ lại hỏi nhau: “Hổ đến chưa?”.

Chủ nhật hàng tuần, tôi đều gọi điện đốc thúc, thỉnh thoảng còn kiểm tra cụ thể. Có lần 1 nhân viên thi công chứ không phải là người có trách nhiệm trả lời điện thoại nhấc máy và trả lời không biết, tôi bực quá hét to khiến anh ta hoảng sợ bỏ chạy và quên cả gác ống nghe. Cứ mỗi lần đến giờ tôi xuất hiện ở công trường là có ai đó nói to “lệnh báo động tấn công”. Họ đều sợ tôi vì tôi đốc thúc công trình quá gắt gao”, trích hồi ký ông Chung Ju Yung.

Vị chủ tịch này cho biết bẩm sinh ông vốn ghét những người lười biếng. Ông cho rằng con người luôn muốn mình lười nhác ở một mức vừa phải nào đó, muốn vui ở một mức vừa phải nào đó và muốn thoải mái ở một mức vừa phải nào đó. Tuy nhiên, không gì lãng phí bằng để thời gian trôi đi mà không làm gì cả và điều này đặc biệt đúng với doanh nghiệp.

“Có hành động thì mới có kết quả. Chỉ tập trung những người có đầu óc thông minh lại ngồi với nhau và suy nghĩ không thôi thì doanh nghiệp không thể lớn mạnh được. Phải hành động”, ông Chung đúc kết.

Đơn giản như chuyện bạn muốn gặp một ai đó. Thử so sánh giữa hai sự việc: cùng với suy nghĩ là hành động tức thời đứng dậy đi gặp với việc nghĩ nhưng chần chừ trong hành động và một tiếng đồng hồ sau mới thực hiện. Tuy không thấy được sự khác nhau mà khoảng thời gian một tiếng đồng hồ ấy mang lại nhưng sự khác nhau của việc thực hiện ngay và một tiếng đồng hồ sau mới làm lại rõ ràng, nói quyết định đến sự thành bại của công việc.

Nhờ đó, thời gian thi công nhà máy xi măng Danyan đã rút bớt được 6 tháng, đến tháng 6.1964 đã hoàn công và năm 1971 thì trở thành CTCP xi măng Hyudai, góp phần nội địa hoá xi măng và giảm giá sản phẩm thành trên thị trường.


Việc khó giao nhân viên cũng không cho thời gian dài

Người sáng lập ra Hyundai còn áp dụng cách quản lý thời gian rất chặt với nhân viên khi giao công việc. Bởi ông hiểu với bản tính con người, nếu không đặt họ vào hoàn cảnh rất rút, sẽ kích thích tính lười biếng của họ.

Trong hồi ký của mình, ông viết: “Với tôi, khi giao công việc cho nhân viên dù khó khăn đến mấy cũng không cho thời gian dài. Vì nếu cho họ thời gian dài thì họ sẽ lùi đến ngày mai, ngày kia, khi có việc khác thì lại vội vàng cuống lên và cuối cùng là than phiền về công việc. Như vậy, kết quả chẳng ra gì cứ nối tiếp nhau mà đến”.

Không chỉ đốc thúc những nhân viên ở công trường xây dựng, mỗi ngày ông Chung Ju Yung đều đến công xưởng công nghiệp nặng, có ngày đến 2 lần.

“Có nhân viên đã hồn phi phách tán vì cứ nghĩ là hôm nay tôi đã đến nên ngày mai mới quay lại, do đó đã để công việc đến hôm sau mới làm. Chính nhờ việc kiểm tra và huấn luyện nghiêm khắc, sự đốc thúc không mệt mỏi mới có được Huyndai sau này”, ông viết.

Đối với những chuyến công tác nước ngoài, ngược với các công ty ngoại quốc thường cho nhân viên đến sớm để thích ứng với múi giờ nhằm đảm bảo tinh thần minh mẫn, Hyundai thường đến sát ngày để tiết kiệm thời gian.

“Chúng tôi không như vậy. Chúng tôi đến ngay ngày hôm ấy, vừa đến là bước vào bàn hội nghị và chẳng quan tâm đến chuyện khác biệt về múi giờ, lấy lại tinh thần và làm việc, kết quả vẫn thành công xuất sắc”, ông Chung cho hay.

Trên thực tế, dù là Chủ tịch nhưng ông Chung cũng không ngoại lệ. Trở về sau những chuyến công tác châu Âu hoặc Mỹ kéo dài hàng tuần nhưng hôm sau ông đã đi làm ngay. Ông bảo, không phải ông không mệt, nhưng vì để trở thành một nhà kinh doanh trong tương lai thì không thể không huấn luyện chính mình và nhân viên.

“Sự đốc thúc hàng ngày của tôi chính là động lực thúc đẩy cho nhân viên, cho chính tôi, xã hội và đất nước tôi ngày càng đổi mới. Ngày nay, những người đóng vai trò chủ chốt tại Hyundai không có ai là chưa từng oằn lưng làm việc tại công trường xây dựng. Ở những công trình, họ được rèn luyện, và tôi tin rằng những người có kiến thức và ý chí tiến thủ thì việc nào cũng có thể làm được”, ông Chung Ju Yung viết.

Trí Thức Trẻ
 
Top