Trong cuốn Yes!: 50 Scientifically Proven Ways To Be Persuasive, tác giả đã mô tả về một nghiên cứu đáng lưu tâm.


Nhà khoa học nghiên cứu hành vi Wendy Joung và các đồng nghiệp của cô rất quan tâm đến việc xem xét liệu việc hướng sự chú ý của học viên đến những lỗi người khác mắc phải trước đây có thể cung cấp phương pháp đào tạo tốt hơn là hướng họ đến những đường đi nước bước đúng đắn đã được người khác thực hiện hay không?

Nói cách khác, phương pháp đào tạo chuẩn hóa một con đường đi chính xác và dạy cho học viên điều đó so với phương pháp học từ những sai sót và lỗi lầm của người khác - cái nào cho ra kết quả tốt hơn?

Nghiên cứu tập hợp một lượng lớn dữ liệu từ những học viên khác nhau, cụ thể là những người lính cứu hỏa, là những người phải ra những quyết định rất nhanh trong những tình huống hiểm nghèo, phải kết hợp một cách khéo léo và nhuần nhuyễn giữa trí tuệ của khối óc với những kế hoạch tác chiến cụ thể, sự can đảm của con tim và kỹ năng đã được huấn luyện.

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy có những tiến bộ rõ rệt hơn hẳn trong óc phán đoán của những người lính cứu hỏa được đào tạo dựa trên những lỗi của người khác so với những người được đào tạo không quan tâm đến lỗi của người khác.

Điều này hoàn toàn trái ngược với lý thuyết khoa học thành công (chưa được kiểm chứng toàn diện) cho rằng hãy hướng đến những thành công tích cực và đừng có chăm chăm quan tâm đến những sai lầm, nếu quan tâm đến sai lầm, bạn sẽ làm sai thật! Cũng giống như nếu nghĩ trong đầu “Đừng có nghĩ đến một con voi màu hồng”, bạn sẽ nghĩ đến con voi màu hồng thật.

Trong trường hợp này, rõ ràng người ta học được từ sai lầm nhiều hơn là thành công.

Khả năng sống sót và thành công của những người lính cứu hỏa có vẻ tương đồng với một doanh nhân đang triển khai một kế hoạch kinh doanh (run a business) - phải thành công trước khi mọi nguồn vốn cạn kiệt.

Mặc dù nhiều công ty chủ yếu tập trung vào đào tạo những mặt tích cực, hướng dẫn cách đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng những kết quả của các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng quá trình đào tạo nên tập trung một phần khá lớn vào những sai sót mà người khác đã mắc phải và tìm cách tránh được chúng.

Bạn luôn có thể tự học. Nhưng thời gian của bạn không phải là vô hạn.

Khởi nghiệp kinh doanh là một cuộc hành trình gian nan mà để thành công không chỉ cần có đủ tinh thần và đam mê mà còn cần đủ kiến thức và kỹ năng.

Chúng ta luôn có thể học được rất nhiều từ sai lầm của bản thân mình (khoảng 80%), tuy nhiên vẫn có những bài học mà chúng ta có thể học được từ sai lầm của người khác (20% còn lại). Nếu mỗi người đều sống 60 năm cuộc đời, thì rõ ràng người biết cách học từ sai lầm của bản thân và cả sai lầm của người khác sẽ tối ưu hóa cuộc đời của mình trong 60 năm đó tốt hơn người chỉ đơn thuần là học từ sai lầm của chính họ.


Nếu bạn được đào tạo về khởi nghiệp kinh doanh một cách đúng đắn, nó sẽ giúp bạn có nền tảng để đạt được 20% khối lượng kinh nghiệm này trong cuộc đời. Học khởi nghiệp có nghĩa là học từ kinh nghiệm, từ sai lầm của những người đi trước, là học những gì mà người ta đã mất 20 năm làm sai - làm đúng - rồi lại làm sai - và đúc kết ra thành bài học cho chúng ta. Có nghĩa là chúng ta không cần phải tốn lại 20 năm để có cùng những trải nghiệm đó, gặp đúng những thất bại đó, đúc kết ra cùng một bài học đó, và sau 20 năm trở thành một người cũng giống như tiền nhân.

Đừng vội mừng, bạn sẽ không “thấm” ngay những bài học kinh nghiệm xương máu từ những sai lầm của các doanh nhân tiền bối đâu, vì nó vẫn chưa thuộc về bạn. Nhưng chí ít nó đã cho bạn những tín hiệu vô cùng quý giá để nhận ra con đường mà bạn sẽ đi, những khúc quanh co mà bạn sẽ bước vào, những ngã rẽ mà bạn sẽ chọn, để dù chọn đúng hay sai, thì sau mỗi quyết định đó bạn đều sẽ trở nên khôn ngoan hơn.

Lúc này, bạn đã biết cách gia tăng “gia tốc” học hỏi, phát triển bản thân để hướng tới thành công của mình - bằng cách tự trải nghiệm và “đứng trên vai người khổng lồ”. Trong trường hợp này, không phải là cách này hay cách kia, mà bạn cần phải chọn cả hai.

Hãy nhớ rằng, những nguồn lực của bạn - thời gian, sức khỏe, cơ hội - không phải là vô hạn. Hãy bước vào cuộc đời này bằng tất cả những gì mình có, học từ tất cả những người mình có thể học. Cho rằng mình có thể đứng ngoài sự học hỏi và tự mình thành công mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai là một sai lầm trầm trọng.

“Hãy cứ làm đi, hãy cứ húc đầu vào tường, rồi thực tế sẽ là người thầy vĩ đại nhất dạy cho bạn mọi điều” - Điều này chỉ đúng một nửa! Nó là một câu nói dành cho những người cứ mải mê tính toán, lên kế hoạch, cân nhắc quá nhiều mà không bao giờ thực sự hành động. Thực tế, bạn cần hành động mau lẹ, bên cạnh việc chuẩn bị tất cả những gì cần thiết: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ, những đối tác, những cố vấn… để sẵn sàng vào cuộc. Và bạn chỉ có thể tích lũy những điều đó khi song hành cùng với hành động.
Thực tế là người thầy vĩ đại vì thực tế dạy cho ta những bài học xương máu, nhưng rất có thể ta sẽ chỉ rút ra được những bài học ấy sau khi đã đi qua hết tuổi trẻ, sử dụng hết tiền bạc, hoặc không còn cơ hội nào để làm lại. Đó là lý do mà những người cố vấn và các chuyên gia luôn là những người rất cần thiết trong một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Hãy tìm kiếm những vị cố vấn đã có trải nghiệm và có thành quả thực sự, người nào thất bại càng nhiều thật ra lại càng tốt, vì bạn càng học được nhiều từ họ. Hãy học cách sử dụng các chuyên gia. Nhưng cần nhớ một điều quan trọng - bạn phải nhận 100% trách nhiệm cho thành công (hay thất bại) của mình.

Năng lực khởi nghiệp, do vậy hoàn toàn có thể được đào tạo, nếu chúng ta biết học từ những sai lầm của những doanh nhân đi trước, điều chỉnh lại kinh nghiệm để liên kết với con đường của chính mình, và được những người thầy sâu sắc thực tiễn hướng dẫn. Vì kinh doanh là một con đường rất khó, nên hãy học hỏi bất cứ khi nào có thể.

Cuối cùng, khi học trò sẵn sàng, thì người thầy xuất hiện!

DNSG
TẠ MINH TUẤN - Chủ tịch TMT Group, YUP Education (Nội dung này đã được đăng trong Group FB Cộng đồng Khởi nghiệp, do Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)
 
Top