
Trường hợp được miễn thuế TNCN
Tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
hiện hành quy định cụ thể về trường hợp được miễn thuế TNCN như sau: Thu
nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp chỉ có một nhà ở hoặc đất ở duy nhất.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư
111/2013/TT-BTC và Điều 4 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định về trường
hợp được miễn thuế phải đồng thời đáp ứng các điều kiện sau:
- Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng.
- Có quyền sở hữu nhà ở, có quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.
- Chuyển nhượng toàn bộ đất ở, nhà ở.
Mất tiền vì... không biết
Tuy Luật đã quy định rất rõ, nhưng trên thực tế
không phải ai cũng biết điều này và việc nộp thuế “oan” là điều dễ hiểu.
Điển hình như trường hợp của vợ chồng chị Đào Thị Thơ ở Thanh Trì, nhà đất Hà Nội.
Một năm trước đây, vợ chồng chị có bán căn nhà cấp 4 rộng 50m2 tại thị
trấn Văn Điển, Thanh Trì với giá 1,2 tỷ đồng. Do muốn con cái học hành
thuận tiện nên anh chị quyết định bán để tìm một nơi ở mới gần trung tâm
hơn, thuận tiện đi lại hơn.
Chị Thơ cho biết, đây là căn nhà đầu tiên của
anh chị từ sau khi kết hôn, vì không va chạm nhiều trong việc mua bán
nhà đất nên anh chị cũng chẳng quan tâm gì đến những quy định, khoản chi
phí trong quá trình chuyển nhượng bất động sản. Khi đó, vợ chồng chị
chẳng hề biết có quy định nào về việc miễn thuế, nên cứ kê khai, nộp
thuế và nghĩ rằng đó là một nghĩa vụ mà ai bán nhà cũng phải làm. Được
biết, số tiền thuế TNCN mà vợ chồng chị Thơ đóng bằng 2% giá trị hợp
đồng chuyển nhượng.
Nhưng sau đó, khi nghe một người bạn thân của
chị Thơ cũng bán nhà và khẳng định anh chẳng “mất đồng nào” thì chị mới
“ngã ngửa”. Hóa ra, luật quy định rất rõ về trường hợp được miễn thuế
TNCN khi chỉ sở hữu duy nhất một nhà ở. Để chứng minh cho việc đó, anh
bạn của chị chỉ cần làm bản cam kết gửi lên ủy ban huyện xác nhận đây là
căn nhà duy nhất thuộc quyền sở hữu của anh và có quyền sử dụng đất
tính đến thời điểm chuyển nhượng là 183 ngày, đồng thời, cam kết chuyển
nhượng toàn bộ nhà ở cho bên mua kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, sổ hộ khẩu công chứng là bên thuế họ chấp nhận được miễn thuế TNCN.
Khó khăn trong việc chứng minh sở hữu
Một trường hợp khác của anh Hoàng Văn Hùng,
chuyên gia môi giới cho một sàn giao dịch có tiếng tại Hà Nội. Do làm
trong lĩnh vực bất động sản nên anh rất tường tận từng quy định của pháp luật trong việc mua bán chuyển nhượng bất động sản.
Vừa qua, anh có bán một căn nhà 35m2 tại Từ
Liêm. Anh Hùng mua căn nhà này cách đây 10 tháng và anh vẫn chưa làm
xong thủ tục chuyển khẩu về đây. Khi bán nhà, anh biết rất rõ về trường
hợp được miễn thuế của mình nhưng có một điều vướng mắc đó là anh không
có khẩu ở Từ Liêm và hộ khẩu của anh vẫn ở cùng bố mẹ tại huyện Hoài Đức
nên không ai có thể xác nhận cho anh nếu anh cũng làm bản cam kết về
việc sở hữu căn nhà duy nhất.
Khi bán nhà, anh có đến chi cục thuế quận hỏi về
việc này và được họ hướng dẫn về địa phương làm bản cam kết không có
bất kỳ mảnh đất nào ở địa phương, cũng như không có quyền thừa kế mảnh
đất hiện nay bố mẹ anh đang ở để chứng minh cho mảnh đất ở Từ Liêm là sở
hữu duy nhất và cam kết có quyền sử dụng đất tính đến thời điểm chuyển
nhượng là 183 ngày, cũng như cam kết chuyển nhượng toàn bộ nhà ở cho bên
mua kèm sổ đỏ và sổ hộ khẩu công chứng. Như vậy, anh cũng đã không phải
đóng thuế TNCN.
Trí Thức Trẻ