Từ lâu, bàn làm việc đã được xem là ngôi nhà của tư duy (home of the mind): một không gian gần gũi, giúp bạn suy nghĩ và xác định những ý tưởng của mình. Chiếc bàn làm việc đã và đang thay đổi theo từng giai đoạn để có thể thích hợp với các phong cách làm việc và loại công việc khác nhau. Xu hướng không gian làm việc chung gần đây còn cho phép bạn làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới với đủ lựa chọn về nội thất.


Cách thiết kế và sắp xếp bàn làm việc của một người thể hiện rõ phong cách tư duy và làm việc của người đó.  

Đối với các doanh nhân và chính trị gia lớn, những người có các ý tưởng làm thay đổi cả một ngành công nghiệp hay cả cuộc sống của con người, không gian bàn làm việc như thế nào là rất quan trọng. Dưới đây là cách mà một số người nổi tiếng chọn lựa và sắp xếp bàn làm việc của mình:

Elon Musk: Không có chỗ cho quá khứ

Khi mẫu xe điện Tesla Model X đi vào sản xuất, Elon Musk đã di chuyển bàn làm việc của mình đến cuối dây chuyền sản xuất, và kế bên đó là túi ngủ của ông. Đây chính là nơi ông dành ra cả trăm giờ mỗi tuần để làm việc trong suốt 1 năm liền. Điều thú vị là bàn của Musk ở SpaceX thì khá bình thường, thậm chí là khá trống trải. Thay vì trang trí bàn làm việc của mình với những kỷ vật quá khứ, ông đặt tâm trí của mình vào tương lai nhiều hơn.

 Bàn làm việc của Elon Musk. Ảnh: innovaticias.com

Thomas Jefferson: Di chuyển mọi nơi

Nói về Thomas Jefferson - cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ, sau này trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước này – người ta hay nghĩ rằng ông làm việc trên một chiếc bàn gỗ khổng lồ cho tương xứng với tầm vóc của mình. Tuy nhiên, thực ra nhiều công việc quan trọng của Jefferson lại được thực hiện trên một chiếc bàn di động gọn nhẹ do ông tự thiết kế nên. Chiếc bàn này cho phép ông liên tục làm việc trong những chuyến đi từ Virginia đến Philadelphia. Nó bao gồm một bề mặt nghiêng nằm trên một ngăn kéo có khoá để đựng bút và mực. Jefferson đã viết các bản thảo của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ trên chiếc bàn di động này. Ông tuyên bố chiếc bàn này chính là “một biểu tượng của trí tuệ Mỹ”.

 Bàn di động của Thomas Jefferson. Ảnh: Quartz

Mark Zuckerberg: Cởi mở tối đa

Nhà sáng lập kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg đặt bàn làm việc của mình ngay giữa văn phòng của Facebook, không hề có những bức vách ngăn xung quanh. Bàn làm việc của Zuckerberg rất đơn giản, mặt bàn được vẽ graffiti trang trí và thường là nơi bày thức ăn nhanh hay nước tăng lực Gatorade để Zuckerberg có thể nạp năng lượng tức thời cho công việc. Có thể nói đây là mẫu thiết kế khuyến khích việc hợp tác, trao đổi cởi mở các ý tưởng với nhau.

 
Bàn làm việc của Mark Zuckerberg. Ảnh: New York Times

Thomas Edison: Cỗ máy sáng tạo

Bàn của Thomas Edison đầy những ngăn nhỏ để ông “cất giữ” ý tưởng cho những phát minh và hoạt động kinh doanh. Nằm trong một không gian 3 tầng với hàng nghìn cuốn sách kỹ thuật và bằng sáng chế xung quanh, từ chiếc bàn này Edison đã quản lý cùng lúc 30 công ty và 30 nhóm nghiên cứu. Việc sắp đặt các giấy tờ và bằng sáng chế xung quanh chính là sự phản ánh cho những câu hỏi không ngừng xuất hiện trong tâm trí ông.

 Bàn làm việc của Thomas Edison. Ảnh: Wall Street Journal

Liệu trong tương lai, chiếc bàn làm việc có còn tồn tại ngoài không gian thực nữa hay không? Với chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift, giờ đây người ta đã có thể sử dụng bàn làm việc ảo và thực hiện đủ các loại thao tác mà bình thường không thể nào làm được, như tùy thích sắp đặt bàn làm việc trong vài giây hoặc zoom in/zoom out các tài liệu.

Nhưng trong trường hợp đó, chức năng của chiếc bàn làm việc vẫn sẽ không thay đổi. Bàn làm việc chính là cánh cổng nơi những ý tưởng được sinh ra và chuyển hóa thành tác phẩm, bằng sáng chế, kế hoạch hay hành động.


NCĐT/ Quartz
 
Top