Hãy thử nghĩ đến những mẩu tin về các ngôi sao thể thao hay diễn viên tuyên bố phá sản dù họ vẫn nhận mức lương hàng triệu USD. Họ có thu nhập siêu cao, nhưng đã không thể trả nổi các hóa đơn của chính mình.

Hầu hết mọi người sẽ tập trung vào thu nhập, coi đó là yếu tố quyết định mức độ giàu có. Tuy nhiên, thu nhập không phải là toàn bộ câu chuyện.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe thấy nhận định trên. Nhưng hãy thử nghĩ đến những mẩu tin về các ngôi sao thể thao hay diễn viên tuyên bố phá sản dù họ vẫn nhận mức lương hàng triệu USD. Họ có thu nhập siêu cao, nhưng đã không thể trả nổi các hóa đơn của chính mình.

Đó chính là lý do tại sao tài sản ròng mới là thước đo gần với thực tế và chính sách hơn để đo lường mức độ giàu có của bạn.

Tài sản ròng là gì?

Tài sản ròng (net worth) là giá trị của tất cả các thứ mà bạn sở hữu, trừ đi giá trị các khoản nợ. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp 1 người có thu nhập rất thấp nhưng có tài sản ròng lớn hơn bạn tưởng tượng. Đó là nếu như họ thận trọng với việc vay nợ và thường xuyên tiết kiệm. Tương tự, một người có thu nhập rất cao hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái âm tài sản ròng bởi họ tiêu hết sạch số tiền kiếm được và còn thường xuyên đi vay mượn.

Tài sản ròng quyết định mức độ giàu có

Có nhiều định nghĩa về tài sản hay mức độ giàu có. Tuy nhiên, phố biến nhất có lẽ là khái niệm từ Dictionary.com: “sự giàu có là trạng thái thừa thãi bất cứ thứ gì, với khối lượng lớn”.

Nhiều người nghĩ rằng giàu có đồng nghĩa với việc bạn có nhiều tiền hơn so với nhu cầu. Đó cũng là lý do giải thích tại sao tài sản ròng là chỉ báo tốt hơn về sự giàu có nếu so với thu nhập: thu nhập không thể nói lên điều gì về việc bạn có bao nhiêu tiền để tiêu ở ngay thời điểm hiện tại mà chỉ nói về số tiền bạn thường kiếm được trong 1 khoảng thời gian.

Tài sản ròng thể hiện chính xác bạn có bao nhiêu tiền mặt cũng như tài sản khác để chi tiêu trong ngày hôm nay.

Tính toán tài sản ròng như thế nào?

Đây không phải là một công việc phức tạp, mặc dù mất khá nhiều thời gian. Đầu tiên, hãy cộng tổng số tiền và những tài sản có thể quy đổi ra tiền mà bạn đang nắm trong tay (gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản đầu tư, tài khoản hưu trí, tiền mặt trong ví của bạn…).

Bước tiếp theo, hãy cộng thêm giá trị của những vật chất mà bạn sở hữu. Ngôi nhà của bạn chắc chắn nằm trong danh sách này nếu như bạn đã mua nó), nhưng ngoài ra còn có những đồ đạc trong nhà, trang sức, bộ sưu tập nghệ thuật hay chiếc xe hơi của bạn.

Trong phép tính này, hãy nhớ rằng giá trị của những thứ mà bạn đang sở hữu không phải là số tiền bạn đã bỏ ra để mua chúng mà là số tiền sẽ thu được nếu bán chúng đi ở thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, lấy con số này trừ đi tổng số nợ của bạn.

Tài sản ròng là bao nhiêu thì tốt?

Trong cuốn sách “The Millionaire Next Door” (tạm dịch: Hàng xóm triệu phú), tác giả đã đưa ra công thức sau để tính toán bạn nên duy trì tài sản ròng ở mức nào là phù hợp:

Mức tài sản ròng mục tiêu = (Tuổi x Thu nhập trước thuế hàng năm)/10

Sử dụng công thức này, nếu 1 người 40 tuổi có thu nhập trước thuế là 60.000 USD mỗi năm, anh ta nên đặt mục tiêu có tài sản ròng ở mức 240.000 USD.

Có thể bạn đang nghĩ rằng con số này quá cao. Nhưng trên thực tế, nếu áp dụng công thức này thì phần lớn người Mỹ có thu nhập trung bình sẽ không đạt được mục tiêu về tài sản ròng. Theo số liệu thống kê, trung bình người Mỹ 40 tuổi chỉ có tài sản ròng ở mức 35.000 USD.

Hãy tự đặt mục tiêu cho mình

Bước đầu tiên để gia tăng tài sản ròng là tự đặt mục tiêu cho bản thân. Khi đã có mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng xây dựng được kế hoạch cụ thể để đi đến mục tiêu đó. Để hướng đến mục tiêu lớn, cần có những mục tiêu nhỏ với thời hạn cụ thể.

Làm cách nào để tăng tài sản ròng?

Từ công thức trên, câu trả lời đơn giản là hãy làm mọi cách để tăng tài sản và giảm nợ. Để tăng tài sản, cần tận dụng mọi cơ hội để tăng thu nhập và tận dụng những ưu đãi về thuế. Để giảm nợ, hãy từ bỏ những khoản nợ thẻ tín dụng đắt đỏ hay những khoản vay có lãi suất cao. Từ bỏ nợ là ưu tiên cao hơn so với việc tăng tài sản bởi nó sẽ ăn mòn lợi suất.

Kế hoạch tăng tài sản ròng

Giả sử bạn muốn tăng tài sản ròng thêm 200.000 và đặt ra thời hạn 15 năm. Bạn đang có 5.000 USD nợ thẻ tín dụng với lãi suất 18%, bên cạnh đó là 1 khoản vay thế chấp có lãi suất thấp hơn.

Khi đó, bước đầu tiên sẽ là đặt mục tiêu phải trả hết nợ thẻ tín dụng trong 1 năm. Kết quả tính toán cho thấy nếu bạn trả thêm 400 USD mỗi tháng, bạn sẽ sạch nợ trong 11 tháng. Và để có thêm 400 USD, bạn lại tiếp tục lập ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu.

Sau khi trả hết nợ thẻ tín dụng, bạn nhận thấy mỗi tháng mình đều có thêm 400 USD dư dả. Vậy thì tại sao không đầu tư 400 USD đó? Giả sử bạn đang có tài khoản tiết kiệm hưu trí 20.000 USD với mức đóng 100 USD mỗi tháng. Tăng số tiền đóng góp lên 500 USD, với mức lợi suất 7% mỗi năm, trong 14 năm tài khoản này sẽ tăng lên 196.345 USD.

Đạt được các mục tiêu tài chính không phải là điều gì quá khó khăn, miễn là bạn chi tiêu có kế hoạch và tuân thủ kỷ luật chặt chẽ để đạt kế hoạch!

Theo Trí thức trẻ/Motley Fool
 
Top