"Masa đến, nhìn đồng hồ và nói với tôi rằng: Xin lỗi nhưng tôi chỉ có 12 phút thôi. Và đúng như vậy, sau 12 phút quý giá đi xung quanh văn phòng, Son đã rời đi". 




Tuy nhiên, ông đã cho Neumann cơ hội để ngồi cùng xe với ông. Dĩ nhiên, Neumann đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này, bước lên chuyến xe sau này giúp công ty của anh trở thành đế chế 20 tỷ USD.

Son nói với Neumann rằng hãy vứt bài trình bày dài dòng của anh đi rồi ông mang iPad ra và bắt đầu thảo những điều khoản đầu tư. Sau này khi trả lời phỏng vấn tờ Forbes, tỷ phú Son có nói về quyết định đầu tư vào WeWork như thế này: "Tôi nghĩ giá trị đó quá cao cho một công ty với kích thước như thế và rằng một ai đó có thể dễ dàng copy chúng. Tuy nhiên không ai có thể làm điều đó. Ý tưởng này nói thì dễ nhưng rất khó thực hiện – Adam chứng minh rằng cậu ấy có thể làm những gì mình nói".

Khi chuyến xe kết thúc, Son đã ký tên ông ấy trên bản phác thảo iPad, vẽ một dòng bên cạnh và đưa Neumann chiếc bút. "Cho tới giờ tôi vẫn thấy nổi da gà mỗi lần nhớ lại chuyện đó. Hơn 1 tiếng sau, ông ấy email cho tôi cái này". Neumann mở iPhone ra và cho phóng viên xem bức ảnh chụp một hợp đồng được viết vội trên một ứng dụng của iPad, ghi các gạch đầu dòng về một thoả thuận hợp tác toàn cầu với chữ ký của Neumann bằng mực xanh và bên cạnh đó là chữ ký của Masa màu đỏ.
Trong tài liệu về các điều khoản đầu tư được luật sư đưa ra sau đó chia làm 2 phần: Softbank sẽ đầu tư 3 tỷ USD trực tiếp vào WeWork (1,3 tỷ USD thông qua mua lại cổ phiếu của những nhân viên hiện tại và 1,7 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu mới). 
Một phần khoảng 1,4 tỷ USD được phân bổ cho 3 chi nhánh của WeWork trên khắp châu Á gồm WeWork Nhật Bản, WeWork châu Á Thái Bình Dương và WeWork Trung Quốc. Đội ngũ của Neumann sẽ xây dựng và quản lý các văn phòng còn Softbank phụ trách vấn đề quan hệ với các nhà chức trách tại các địa phương. Được định giá 20 tỷ USD đồng nghĩa với việc WeWork – công ty hoạt động trong cả lĩnh vực bất động sản, khách sạn và công nghệ hiện trị giá tương đương với đơn vị điều hành chuỗi Hilton Worldwide, hơn cả công ty bất động sản khổng lồ Boston Properties và hãng công nghệ Snap.
Khi thỏa thuận với Softbank chính thức được ký kết tại Tokyo vào tháng 3/2017, Neumann đã tham gia cùng đồng sáng lập và người bạn tỷ phú của mình là Miguel McKelvey – 43 tuổi – cựu sinh viên Đại học Oregon. Anh nhớ lại: "Masa đến chỗ tôi và hỏi: Theo cậu trong một trận chiến, kẻ chiến thắng là người thông minh hay điên rồ. Tôi trả lời: Kẻ điên. Và ông ấy nhìn vào tôi và nói: Cậu nói đúng rồi đấy, nhưng cậu và Miguel chưa đủ điên đâu".

"Ý tôi là các cậu không nên cảm thấy tự hào và hài lòng rằng WeWork đang tăng trưởng tốt mà không cần đến một đội ngũ bán hàng hùng hậu hoặc ngân sách chi tiêu khủng cho quảng cáo. Hãy tăng hơn gấp 10 lần so với kế hoạch ban đầu cho tôi. Nếu suy nghĩ như vậy, cậu mới thấy giá trị công ty hiện tại là quá bé nhỏ. Nó có thể trị giá vài trăm tỷ đôla".


Mức định giá 20 tỷ USD tức là WeWork chỉ đứng sau Uber và Airbnb trong số những startup ở Mỹ. Đó là một công ty về văn phòng nhưng lại chẳng sở hữu bất kỳ văn phòng nào cả. Giống như Uber và Airbnb, WeWork là trung gian, thuê không gian từ những đại lý bất động sản và sau đó thiết kế, tổ chức lại linh hoạt để sau đó cho thuê lại. Giá trị gia tăng mà WeWork thêm vào là văn hóa trong văn phòng làm việc - ở phạm vi rất lớn. Khởi đầu với một văn phòng tại New York vào năm 2010, công ty hiện có mặt tại 163 địa điểm – một con số gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2015 – trải rộng trên khắp 52 thành phố trên toàn thế giới. 2.900 nhân viên của công ty hiện quản lý trên 900.000 m2 diện tích văn phòng. Có khoảng 150.000 thành viên đăng ký làm việc tại WeWork và họ phải trả trung bình 220 USD mỗi tháng với việc sử dụng không gian chung hoặc khoảng 22.000 USD cho một không gian văn phòng với sức chứa 50 người.
"Không ai đang đầu tư vào một công ty làm việc chung trị giá 20 tỷ USD cả. Điều đó không tồn tại. Giá trị và kích thước của chúng tôi hiện ngày một lớn hơn là dựa trên tinh thần và nguồn năng lượng chứ không phải doanh thu".

Thậm chí trước khi Son tới, những đơn vị đầu tư như Benchmark, Fidelity, Goldman Sachs và JPMorgan cũng đã rót 1,55 tỷ USD vào WeWork dựa trên ý tưởng cho rằng những phương thức tính toán truyền thống không phản ánh được mô hình kinh doanh đầy hứa hẹn của họ. "Họ tạo ra một môi trường vui vẻ và sôi động, chứa trong đó toàn những con người năng động, tạo ra nguồn năng lượng làm việc dồi dào. Họ đã xây dựng được một dạng lai giữa công ty công nghệ và khách sạn khác hoàn toàn so với những công ty bất động sản thông thường", CEO JPMorgan Chase là Jamie Dimon nói.
Tuy nhiên chỉ phục vụ cho các startup thì không thể giúp WeWork tiến xa như hiện nay. Bản thân các nhà sáng lập và đặc biệt là Son đánh cược rằng WeWork có thể thay đổi hoàn toàn cách mọi người trải nghiệm trong không gian văn phòng. Trong vài năm qua, WeWork đã ký kết cung cấp không gian làm việc cho những công ty như GM, GE, Samsung, Salesforce, Bank of America và Bacardi. Đầu năm nay, họ cũng phân phối toàn bộ toà nhà văn phòng ở Greenwich Village cho IBM và hiện tại những công ty lớn đang tạo ra 30% doanh thu hàng tháng cho công ty.

 "WeWork hiện là giải pháp bất động sản chủ đạo cho chúng tôi. Họ thâm nhập vào nhiều địa điểm khác nhau, tìm hiểu sâu, lấy phản hồi từ những thành viên WeWork khác", Matt Donovan - Phụ trách marketing cho Office 365 của Microsoft - đơn vị cũng đang để 300 nhân viên làm việc tại một địa điểm của WeWork nói. 

Với những công ty đang phát triển, WeWork sẽ cung cấp giải pháp giúp họ gia nhập vào những thành phố mới mà không gặp rắc rối về việc tìm địa điểm, đàm phán hợp đồng, thiết kế không gian và thuê nhà cung cấp. Josh Kusshner - người sáng lập quỹ đầu tư VC Thrive Capital và là đồng sáng lập Oscar Health đã mở một chi nhánh ở Los Angeles và hiện đang sử dụng không gian của WeWork nói: "Chẳng có lý do gì lại phải đi thuê văn phòng cả. WeWork là giải pháp tốt. Riêng kinh doanh đã đủ khó khăn rồi. Các chàng trai này đã giúp gỡ khó phần nào".

Neumann và McKelvey lớn lên trong 2 thế giới khác nhau nhưng tuổi thơ của họ đều ngắn ngủi và phải sống cuộc sống chung đụng từ sớm. Neumann sinh ra tại Israel và 2 bố mẹ anh đã ly hôn khi anh còn rất trẻ. Neumann sống tại 13 địa điểm khác nhau trong suốt 22 năm đầu đời bao gồm cả 2 năm ở Indianapolis và một thời gian ở vùng kibbutz của Israel nơi mẹ anh làm bác sỹ. Neumann bị mắc chứng khó đọc trầm trọng vì vậy anh không thể đọc hay viết cho tới lớp 3 nhưng vẫn xuất sắc vào được chương trình sỹ quan ưu tú của Hải quân Israel. Sau khi phục vụ quân đội, anh tới New York sống với chị gái.

McKelvey lại lớn lên ở Eugene, Oregon, Mỹ và sống cùng với một nhóm những bà mẹ đơn thân hoạt động chính trị. Chính bởi vậy, cuộc sống của McKelvey thường xuyên di chuyển từ nơi này qua nơi khác.

Cả 2 gặp nhau tại New York thông qua một buổi gặp mặt giữa một người bạn chung và nhanh chóng cảm thấy hợp nhau nhờ nền tảng, xuất thân. Neumann khi ấy đã mở một công ty quần áo trẻ em mang tên Egg Babay, đã cho thuê lại một phần không gian mình đang thuê nhằm tiết kiệm tiền. McKelvey vốn là kiến trúc sư và thế là Neumann nghĩ ra ý tưởng cho thuê không gian giá rẻ mà họ có thể chia nhỏ như văn phòng.
Neumann đã thuyết phục ông chủ của mình là Joshua Guttman cho anh thuê lại một tầng tại căn nhà ở Brooklyn và họ cho ra mắt Green Desk - một không gian làm việc chung thân thiện. Ngay lập tức nó đã tạo ra một sự bùng nổ. Neumann và McKelvey nghĩ cần phải tìm cách mở rộng ra Manhattan. Guttman lại muốn lấp đầy khoảng trống ở toà nhà của ông tại Brooklyn. Chính vì vậy 2 nhà sáng lập trẻ tuổi đã quyết định bán một lượng cổ phần trị giá 3 triệu USD cho Guttman và đặt cược vào cuộc chơi không gian làm việc chung tại Manhattan. 7 năm sau, số cổ phần của họ gộp lại tại WeWork trị giá 4,3 tỷ USD.

Trong trụ sở văn phòng của WeWork được đặt một màn hình 60 inch đánh dấu 163 địa điểm mà công ty đã có mặt trên Google Map. Phần mềm của công ty biến những nguồn âm thanh có phần kỳ cục thành dữ liệu. Chỉ một cú chạm tay có thể tiết lộ cập nhập về tiến độ xây dựng, vận chuyển và bảo dưỡng. Một cái vuốt nhẹ trên màn hình có thể cho ban biết dữ liệu về những khu vực mới tiềm năng, giao thông công cộng, cửa hàng cà phê, phòng tập và thương hiệu bán lẻ gần đó để báo hiệu một vị trí tiềm năng.

WeWork đã xây dựng một công nghệ phức tạp và hệ thống logistic nhằm xử lý tất cả những rắc rối đó và vào tháng 9 họ đã mở 10 địa điểm mới - tức là hơn cả số lượng văn phòng họ có kể từ khi ra măt cho tới năm 2014. Ở góc độ nào đó, WeWork giống một hãng hàng không hơn là đơn vị quản lý bất động sản cho thuê. Họ luôn muốn tối đa hoá số ghế trong khi vẫn cung cấp đủ tiện nghi. Với mỗi một chiếc bàn dôi ra, trong một thập kỷ, có thể chuyển thành mức doanh thu 80.000 USD. Tuy nhiên, không giống một chiếc Boeing 777 tất cả các loại ghế đều được tiêu chuẩn hoá giống nhau, mỗi dự án của WeWork lại có kích thước và cách trang trí khác biệt. Nhiều văn phòng của WeWork được tái tạo lại trên những ngôi nhà cũ, hãng sản xuất bia, nhà kho và ở Thượng Hải, thậm chí là trên một nhà máy sản xuất cần sa cũ.

Để kiếm được nhiều nhất từ mỗi milimet, WeWork sử dụng máy scan 3D để đo diện tích và xây dựng mô hình thực tế ảo giúp thiết kế mỗi tầng trước khi tiến hành xây dựng, cải tạo. Công nghệ Heatmapping (Bản đồ sử dụng thang màu biến đổi liên tục) cũng giúp họ thiết kế được không gian hợp lý nhất. "Chủ khu bất động sản chỉ bán nhôm kính thôi. Chúng tôi làm iPhone", theo Dave Fano - Giám đốc tăng trưởng của công ty.




 



Chính quy mô đó đã tạo ra lợi thế về giá và cung cấp cho WeWork những hiểu biết độc nhất. Kể từ năm 2010, đội ngũ của Neumann đã lắp đặt được 9,6 triệu khung nhôm, hơn 1,12 triệu m2 tường kính, hơn 800.000 m2 sàn gỗ và xây dựng 12.000 booth điện thoại. WeWork tự làm mọi thứ: Thăm dò vị trí, hợp đồng, thiết kế nội thất. Năm nay, nhờ hiệu quả công nghệ và lợi thế mua tăng đã đẩy chi phí thêm một chiếc bàn giảm tới 45% xuống còn 8.550 USD. 

Khởi nghiệp với chỉ 2 người, đến nay đế chế WeWork đã có hơn 2.000 người sau 7 năm. Neumann tuyển dụng các lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm từ các công ty bất động sản, khách sạn, truyền thông và công nghệ để quản lý gồm CFP Artie Minson, chủ tịch Rich Gomel, COO Jennifer Berrent, Phó chủ tịch Michael Gross và Chủ tịch sản phẩm Shiva Rajaraman. 

Cũng có những khó khăn trong quá trình tăng trưởng: Một số tài liệu rò rỉ vào năm 2015 cho thấy các dự báo được hạ thấp trong năm 2016 đồng thời tỷ lệ sa thải nhân viên ở mức 7%. Một vài cựu nhân viên thì kiện công ty và cáo buộc họ bị làm việc quá tải và trả lương thấp hơn so với năng lực. Để giải quyết những vấn đề đó, McKelvey đã đảm nhận vị trí: Giám đốc văn hoá của công ty. Anh sẽ phụ trách giám sát nhân sự, đào tạo, tiền lương, trợ cấp cho hàng nghìn nhân viên trên khắp các quốc gia của công ty.
 
Còn Neumann với kinh nghiệm hoạt động trong quân đội có vẻ nghiêm khắc hơn. McKelvey nói: "Anh ấy nhận ra rằng khiến nhân viên có cảm giác sợ hãi thì không mang lại hiệu quả. Neumann cứ nghĩ lo sợ sẽ là một điều gì đó tích cực nhưng bây giờ anh ấy đã hiểu rằng cần phải đối xử với mọi người mềm mỏng và tôn trọng hơn, mang lại cho họ nguồn năng lượng tích cực và tôi biết anh ấy là người có khả năng kinh ngạc để làm điều đó". 

Trở lại với cuộc ghé thăm trong đúng 12 phút của tỷ phú Son ở văn phòng WeWork, Neumann đã nhận được tờ ngân phiếu trị giá 4 tỷ USD. Khi ấy, Neumann chỉ có thời gian để cho Son thấy một nơi duy nhất đó là phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) của WeWork với rất nhiều thiết bị công nghệ tối tân. Đây chính là nơi sẽ biến tham vọng tạo ra những văn phòng làm việc kết nối mọi thiết bị, tiện lợi, hiện đại cho người dùng của WeWork thành hiện thực. 

Với Phó chủ tịch Softbank Ron Fisher - người cũng nằm trong hội đồng quản trị WeWork, chính những tham vọng cải tiến công nghệ kể trên đã giúp WeWork nhận được khoản đầu tư của Son, giúp họ mở rộng phạm vi, tiến tới phục vụ hàng triệu thành viên.
 
Hàng năm, WeWork gửi 2.000 nhân viên từ 15 quốc gia trên thế giới tới nghỉ dưỡng, tham gia Trại hè WeWork ở một vùng nông thôn nước Anh trong 3 ngày để nhảy mua, vui chơi… 

Neumann thường lên sân khấu rất nhiều lần. Có khi đóng vai Tony Robbins, anh ấy nói về cách tìm ra năng lực siêu nhân, giải thích rằng nếu có một mục tiêu cao hơn về tiền bạc, bạn sẽ theo và khuyến khích mọi người mang tình yêu và sự sôi nổi từ trại hè đó về với các văn phòng của WeWork. 

Với những người hay hoài nghi, họ sẽ cho rằng việc tổ chức trai hè là hành động tốn kém nhất là với một startup. Tuy nhiên với Neumann, đây là tinh hoa của công ty. "Văn hoá là tài sản trí tuệ của công ty chúng tôi. Trại hè là một cách để nói với nhân viên của toàn công tỷ rằng họ rất quan trọng, dù đôi khi họ không cảm thấy như vậy. Và rằng luôn có một đội ngũ xung quanh tin tưởng vào sứ mệnh của bạn".

Trí Thức Trẻ
 
Top