Nằm hoàn toàn trong dãy núi Alpes, xen giữa Thụy Sĩ và Áo, với diện tích 160 km² (chỉ bằng 2 quận ở Hà Nội) và dân số hơn 35.000 người, Liechtenstein là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, nhưng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Âu.

Liechtenstein thuộc nhóm nước có tổng sản phẩm quốc nội GDP trên đầu người cao nhất (bình quân GDP đầu người lên tới 141.100 USD, chỉ đứng sau Qatar và Luxembourg) và nợ nước ngoài thấp nhất thế giới. Nước này cũng có tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ nhì thế giới (sau Monaco) với 1.5%.


Liechtenstein có thủ đô là Vaduz, thành phố lớn nhất là Schaan. Liechtenstein tham gia vào một liên minh thuế quan với Thụy Sĩ và sử dụng đồng franc Thụy Sĩ làm đồng tiền quốc gia. Quốc gia này không có quân đội, chỉ có lực lượng cảnh sát với 26 người và tiếng Đức là quốc ngữ, mặc dù không có chung đường biên giới với Đức.



Trong cuộc chiến tranh gần nhất mà Liechtenstein đã tham gia vào năm 1866, không một ai trong quân đội gồm 80 người của họ bị thiệt mạng. Trên thực tế, đội quân ấy gồm 81 người, nhưng có 1 người mang quốc tịch Italia. Sau đó, quân đội Liechtenstein đã được giải thể với lý do chi phí quân sự quá tốn kém.



Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới được đặt theo tên của dòng họ đã mua được mảnh đất này và tạo nên một công quốc ở đây từ thế kỷ 11. Công quốc này do một gia đình hoàng gia trị vì như trong cổ tích. Họ sống trong một lâu đài trên núi, nhìn về thủ đô Vaduz. Với tài sản 4 tỷ USD, hoàng gia Liechtenstein là hoàng gia giàu thứ 6 trên thế giới.



Liechtenstein có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và ngân hàng. Vị trí lý tưởng trên dãy Alps đem lại lợi thế lớn cho các hoạt động du lịch mùa đông tại đây. Mức thuế thấp và một chế độ tài chính ưu đãi biến Liechtenstein - nơi có đến 75 nghìn công ty nước ngoài (gấp đôi số dân Liechtenstein), hầu hết là ngân hàng, đăng ký hoạt động, trở thành thiên đường thuế đối với người châu Âu.



Thủ đô Vaduz có 5.000 dân nằm bên con sông Rhine uốn lượn chạy qua những thung lũng núi, nhỏ và lạnh nhưng đáng yêu một cách không ngờ. Cả thành phố chỉ có 2 dãy phố lớn đầy chật các cửa hàng lưu niệm (ở đây cũng có khu phố Tàu) và các tour du lịch bằng xe bus đi vòng quanh Vaduz chỉ mất khoảng 17 phút.



Đi đường bộ qua ngả Thụy Sĩ là cách duy nhất để đến với quốc gia nhỏ bé này, bởi Liechtenstein không có sân bay riêng, hệ thống đường sắt dài 10 cây số thì do Áo quản lý hộ, trong khi toàn bộ hệ thống đường bộ là do Thụy Sĩ đảm nhiệm phần thiết kế và thi công.



Liechtenstein nhập khẩu hơn 90% nhu cầu năng lượng của mình. Hầu hết người dân Liechtenstein sống trên những triền núi Alpes cao chót vót quanh năm mây tuyết phủ. Được biết, tại Schaan, thành phố lớn nhất Liechtenstein, có 3 gia đình người Việt đang sinh sống. Họ là những người nhập cư vào đây từ những năm 1980, nay đã trở thành công dân Liechtenstein.



Nhiệt độ tháng 6 ở đây luôn dưới 10 độ C, nhưng chính thời tiết ấy lại rất lý tưởng cho những người đi du lịch và cắm trại từ châu Âu đổ về. Du lịch và sản xuất tem phục vụ khách du lịch cũng là ngành mang lại nhiều lợi nhuận cho công quốc này.



Một trong những điều mà du khách nước ngoài hay làm nhất là đến Liechtenstein, mua một tấm bưu thiếp, sau đó đóng dấu bưu điện Liechtenstein lên và gửi về cho người thân, với mục đích làm cho họ ngạc nhiên và tò mò tột độ.



Nền công nghiệp chủ yếu là gia công chế biến các nguyên liệu nhập ngoại. Liechtenstein sản xuất những phụ tùng lắp ráp, điện tử, gốm sứ, tân dược, máy in, văn phòng phẩm, làm răng giả. Liechtenstein là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về răng giả và cả nước Liechtenstein chỉ có 1 bệnh viện. 



Cả nước có tổng số 35 xí nghiệp, phần lớn là các chi nhánh của các công ty Thụy Sĩ với số nhân công khoảng 4.000 người. Nông nghiệp tự cung tự cấp, chiếm 14% tổng sản phẩm quốc nội, chủ yếu là chăn nuôi, trồng nho và lúa mì.



Giống như tại các vùng sản xuất rượu vang trên toàn thế giới, hoa hồng được trồng ở các bờ của vườn nho Liechtenstein. Cây hồng có yêu cầu về thổ nhưỡng và ánh sáng mặt trời như cây nho, cả một số bệnh của 2 loài cây cũng giống nhau, vì vậy, cây hồng nhạy cảm hơn với bệnh được dùng để cảnh báo sớm về “sức khỏe” của cây nho.

Phát hiện sớm các dịch bệnh hay vấn đề khác trên cây hồng giúp các nhà trồng nho có những biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ cây nho. Hoa hồng cũng tạo thêm vẻ đẹp cho cảnh quan vườn nho, cung cấp thức ăn cho các loài ong và cung cấp môi trường sống cho các loài côn trùng có lợi để săn những con côn trùng không mong muốn có thể làm hư hại cây nho.

Ở Liechtenstein, giáo dục là bắt buộc và miễn phí trong 8 năm học (từ 7 đến 16 tuổi). Học sinh tốt nghiệp có thể vào dự bị đại học hoặc trường hướng nghiệp. Nhiều sinh viên đi du học ở Áo và Thụy Sĩ.

Liechtenstein chỉ có một bệnh viện nhỏ, nhưng chăm sóc sức khỏe cộng đồng khá tốt. Chính phủ cung cấp bảo hiểm để người dân có thể sang Áo và Thụy Sĩ chữa bệnh. Ngoài ra, còn có chương trình bảo hiểm dành cho người già, người tàn tật; chương trình trợ cấp xã hội và thất nghiệp.

Nước này đã là thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu (một tổ chức đóng vai trò là cầu nối giữa Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu và EU) từ tháng 5 năm 1995. Chính phủ đang nỗ lực để hài hoà các chính sách kinh tế với chính sách của một nước châu Âu. Từ năm 2011, Liechtenstein gia nhập khu vực Schengen, cho phép đi du lịch miễn phí tại 26 quốc gia châu Âu.


(Dân Việt)
 
Top