Bạch Vân gia huấn - Nguyễn Bỉnh Khiêm 


Lượng Đức Thánh (*) rộng như biển cả,
Truyền dậy cho thiên hạ điều hay.
Làm điều thiện hưởng phúc dầy,
Bất nhân thất đức có ngày tiêu vong.
Mềm dẻo tốt hơn cương cường,
Lưỡi mềm còn mãi, răng thường gẫy đi.
Chớ cậy ta dài mà chê người ngắn,
Đừng dối lòng đừng oán đất trời.
Lặng im mà ngẫm sự đời,
Tình người thoang thoảng, vơi vơi thì bền.(**)

Đừng quên bạn nghèo hèn xưa cũ,
Vợ cháo rau xin chớ phụ tình.(***)
Vật ngon, ăn quá bệnh sinh,
Vui chơi quá mức, ắt thành tai ương.

Giàu sang lắm nhiều đường bổng lộc,
Cây tái trồng hẳn gốc bị thương.
Buổi sáng còn cuốc ruộng nương
Biết đâu chiều đã công đường có khi.(****)
Làm tướng đâu phải vì dòng dõi,
Thân nam nhi trí phải tự cường.

(*)Khổng Tử được tôn là Đức Thánh.
(**) Tục ngữ có câu: "Chóng thắm thì chóng phai, Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu."
(***) Nguyên câu chữ Hán là: "Tao khang chi thê bất khả hạ đường, Bần tiện chi giao bất khả vong."
(****) Nghĩa cũ là học giỏi đỗ đạt cao thì được ra làm quan.



Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt 文達, tự Hanh Phủ 亨甫, hiệu Bạch Vân cư sĩ 白雲居士, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài, học hạnh. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất thần kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thi, đậu trạng nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi. Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn thác cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, vì muốn tác động đến thời cuộc, ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Ông từng theo quân Mạc, đi chinh phạt Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên. Ông cũng từng bày mưu tính kế giúp Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo xe, treo mũ từ quan.

Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, rồi lập quán, xây cầu, dựng chùa, mở chợ, trồng cây... Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, v.v... người thờ Mạc, người theo Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính như bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Tháng mười một năm Ất Dậu (1585) ông qua đời, hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết giang phu tử 雪江夫子.

Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tậpBạch Vân am thi tập và một số bài văn chữ Hán. Các tập sấm ký như Trình quốc công sấm kýTrình tiên sinh quốc ngữ, v.v... tương truyền là của ông nhưng về mặt văn bản chưa đủ độ tin cậy.
 
Top