Tỷ phú David Rockefeller- huyền thoại sống cuối cùng trong một kỷ nguyên vĩ đại của nước Mỹ- đã qua đời ngày 20/3/2017 ở tuổi 101.
Biểu tượng cuối cùng của nền đại công nghiệp Mỹ
Theo Daily Mail, có thể nói, gia đình nhà Rockefeller được ví như Midas hay Croesus [biểu tượng về sự giàu có, trù phú-ND] của nước Mỹ. Với việc qua đời ở tuổi 101, tỷ phú David Rockefeller cũng chính là người cuối cùng chứng kiến gia đình mình đứng trên đỉnh cao về sự giàu có trên toàn thế giới.
Tỷ phú Mỹ David Rockefeller. Ảnh: Reuters
Ông cũng chính là người điều hành việc kinh doanh của gia đình và các quỹ từ thiện cho đến tận tuổi 90. Tỷ phú David Rockefeller cũng nổi tiếng là người quảng giao và quen biết những nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới và sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật trị giá nửa tỷ USD.
Cũng theo Daily Mail, tỷ phú David Rockefeller chính là huyền thoại cuối cùng của kỷ nguyên những “Gatsby vĩ đại”, những người lũng đoạn nền đại công nghiệp Mỹ.
Khi tỷ phú David Rockefeller mới được 10 tuổi, tác giả nổi tiếng người Mỹ F. Scott Fitzgerald đã viết cuốn “Gatsby vĩ đại”- tác phẩm kinh điển nói về sự chia rẽ trong xã hội Mỹ cũng như sự suy thoái của giới siêu giàu tại Mỹ trong “Thập niên Ầm ĩ” những năm 20 của thế kỷ trước.
Tuổi thơ của tỷ phú David Rockefeller là một chuỗi những ngày sinh sống trong tư dinh khổng lồ và cực kỳ xa hoa của gia đình ở New York (nơi có cả một bộ sưu tập nghệ thuật rất có giá trị), một dinh thự ven biển ở Maine “chỉ có” 107 phòng và hàng chục dinh thự nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể khiến dinh thự Mar-A-Lago của tỷ phú Donald Trump “trở nên cực kỳ nhỏ bé”.
Ông nội của Rockefeller chính là John Davison Rockefeller- người được mệnh danh là cá nhân giàu có nhất trong lịch sử thế giới với khối tài sản nên đến 500 tỷ USD nếu tính theo thời giá hiện tại.
Tỷ phú John Davison Rockefeller khởi nghiệp bằng việc buôn bán rau củ và tiến dần đến việc thành lập tập đoàn dầu mỏ Standard Oil danh tiếng. Tuy nhiên, ông còn nổi tiếng là người rất giàu lòng nhân ái và luôn dành 10% số tiền mà ông kiếm được để làm từ thiện.
Đến năm 1937, khi ông qua đời, tỷ phú John Davison Rockefeller đã hiến tặng một khối lượng tiền khổng lồ và được coi là “Mạnh Thường Quân” vĩ đại nhất trong lĩnh vực nghiên cứu y tế và giáo dục.
Tự thân vận động từ thủa còn thơ
Dù vậy, tỷ phú John Davison Rockefeller vẫn còn hàng tỷ USD để lại cho con trai của mình John D. Rockefeller Junior. Tuy vậy, ông John D. Rockefeller Junior coi khoản tiền này là “gánh nặng” của đời mình và khăng khăng đòi 6 người con của mình phải “tự thân vận động” thay vì trông chờ vào khoản thừa kế khổng lồ trong tương lai.
Chính vì thế, mới 7 tuổi, tỷ phú David Rockefeller đã phải làm công việc thu gom lá rụng trong suốt 8 giờ/ngày tại dinh thự rộng 3.400 mẫu Anh ở Westchester trong dịp nghỉ lễ. Những ngày còn lại, ông chịu trách nhiệm nhổ cỏ tại tư dinh nghĩ dưỡng của gia đình tại Maine để kiếm 1 cent/bụi cỏ.
Tuy nhiên, không vì thế mà tỷ phú David Rockefeller không được tận hưởng sự xa hoa của gia đình. Ông và 3 người anh trai của mình rất thích trượt patin dọc Đại lộ số 5 ở New York. Chiều theo sở thích của họ, gia đình ông điều hẳn một tài xế lái limousine chờ sẵn để đón 4 anh em khi họ cảm thấy mệt.
Ngoài sở thích này, tỷ phú David Rockefeller còn thích côn trùng, trong suốt mùa hè ở Maine, ông đã thu thập được tổng cộng 40.000 con côn trùng và ngay cả khi sắp qua đời, ông cũng không bao giờ chịu rời nhà mà không có một bình côn trùng trên tay. Ông còn đặc biệt cảm thấy tự hào khi một con côn trùng cánh cứng cực hiếm tại Mexico được đặt tên khoa học theo tên của ông- diplotaxis rockefelleri.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1936, tỷ phú David Rockefeller theo học 1 năm tại Đại học Kinh tế London và học Tiến sĩ tại Đại học Chicago. Ông nổi tiếng là người cực kỳ thông minh.
Đến năm 1940, ông cưới bà Margaret McGrath và có 6 người con. Khi Chiến tranh Thế giới bùng nổ và bắt đầu chạm đến nước Mỹ sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, tỷ phú David Rockefeller gia nhập quân đội Mỹ và được cử sang Bắc Phi và sau đó chuyển đến Pháp. Khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy của ông giúp ông trở thành sĩ quan tình báo Mỹ tại Pháp.
Ảnh hưởng lớn lao trên toàn thế giới
Sau chiến tranh, tỷ phú David Rockefeller làm việc cho ngân hàng gia đình Chase Manhattan và nhanh chóng trở thành Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của ngân hàng. Nhờ quen biết nhiều trong giới tài chính, tỷ phú David Rockefeller từng 2 lần được mời làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Dù vậy, ông vẫn thích “hành động một mình” như là một “nhà ngoại giao kiêm một nhà đàm phán thương mại”. Mạng lưới quen biết của ông đã nhanh chóng trở thành “huyền thoại” với hơn 150.000 tên tuổi nổi tiếng được ghi vào hệ thống dữ liệu Rolodex của ông choán toàn bộ một văn phòng lớn bên cạnh văn phòng của chính ông.
Nhờ mối quan hệ của tỷ phú David Rockefeller với nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev, ngân hàng Chase- hiện là JPMorgan Chase & Co- trở thành ngân hàng đầu tiên của Mỹ mở chi nhánh tại Liên Xô và Trung Quốc. Đến năm 1974, Chase lại là ngân hàng đầu tiên của Mỹ có văn phòng tại Ai Cập kể từ sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.
Cũng chính tỷ phú David Rockefeller và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tác động để Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chấp thuận để Quốc vương Iran sang Mỹ điều trị ung thư vào năm 1979 dù khi đó quan hệ giữa Mỹ và Iran đang rất xấu.
Động thái này dẫn đến việc Đại sứ Mỹ tại Tehran bị Iran chiếm đóng và nhiều người bị bị bắt giữ làm con tin trong suốt 13 tháng trời. Vụ bê bối này đã khiến chính quyền của Tổng thống Carter phải từ chức.
Giống như ông nội mình, tỷ phú David Rockefeller cũng là một người cực kỳ giàu có, ông được cho là đã hiến tặng 900 triệu USD cho các quỹ từ thiện và là người cực kỳ ghét những kẻ tìm cách trốn thuế. Tuy nhiên, ông từng thừa nhận đã có lúc sử dụng ảnh hưởng cực lớn của mình vào những công việc mang tính cá nhân.
Khi quyết định chuyển ngân hàng của gia đình xuống khu vực hạ Manhattan hồi những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, tỷ phú David Rockefeller tỏ ra không hài lòng khi nghe được thông tin dự án tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sẽ chắn tầm nhìn từ văn phòng ông đến Sông Hudson và Tượng Nữ thần Tự do.
Theo “những lời đồn thổi” trong giới tài chính ở Phố Wall, tỷ phú David Rockefeller gọi điện cho anh trai mình, Nelson- khi đó đang là Thống đốc bang New York- và đề nghị: “Anh chuyển tòa nhà đi vài mét được không?”. Nhờ thế, văn phòng của ông không bị cản trở tầm nhìn./.
VOV
 
Top