Thực hiện những bước nhỏ này vào đầu năm sẽ giúp bạn khôi phục và ổn định tình hình tài chính một cách lâu dài. 

Năm mới là thời điểm thích hợp để thiết lập và đưa cuộc sống trở lại đúng quỹ đạo. Sau năm 2020, rất nhiều người trong chúng ta đang khao khát được tái khởi động. Theo dõi tình hình tài chính trong những tháng đầu năm là một bước đệm quan trọng giúp bạn thiết lập thành công cho cả năm. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn kiểm soát tình hình tài chính, tiền bạc rủng rỉnh cho cả năm.

Lập nhật kí chi tiêu

Lập nhật ký chi tiêu là một trong những bước quan trọng nhất để lên kế hoạch cho ngân sách của bạn. Ghi lại tất cả các chi phí hàng tháng và hàng năm của bạn, chẳng hạn như các chi phí dịch vụ cho Netflix, tạp chí, thực phẩm, hóa đơn tiện ích,…

Một cuốn sổ nhật kí chi tiêu sẽ không thể phát huy tối đa giá trị nếu bạn chỉ ghi chép thông tin chi tiêu hàng ngày. Do đó, cách ghi nhật kí chi tiêu hiệu quả nhất đó là bạn nên tổng kết tất cả chi phí một lần mỗi tháng. Xem xét cụ thể những khoản nào mình đã chi quá nhiều, khoản nào mình có thể tiết kiệm được. Từ đó có thể thay đổi phương án chi tiêu trong những tháng tiếp theo.

Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết

Trong suốt một năm, chúng ta thường có xu hướng chi tiền cho những thứ không cần thiết, chẳng hạn như các đợt mua sắm giảm giá, làm thẻ thành viên, mua hàng online... Sau khi đã theo dõi chi tiêu của riêng mình, bạn sẽ biết mình đã tiêu tiền vào những việc gì, nên hạn chế những khoản nào để thoát khỏi tình trạng cháy túi. 

Nhiều lúc chúng ta mua sắm vì cảm xúc, chứ không phải thật sự cần nó. Để cắt giảm chi phí dư thừa, bạn có thể thử áp dụng quy tắc 24 giờ. Hãy đợi một ngày rồi mới mua hàng. Cảm xúc sẽ dịu xuống và cuối cùng bạn có thể nhận ra mình có muốn món đồ đó không. Một khi áp dụng quy tắc này, bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng đồ đạc rước về nhà đã giảm đi đáng kể

Đặt mục tiêu, lên kế hoạch cụ thể

Năm mới là thời điểm thích hợp để đặt mục tiêu và lên kế hoạch, nhưng càng cụ thể càng tốt. Mỗi mục tiêu phải kèm theo một lịch trình, thời gian cụ thể và giới hạn của bạn. 

Nếu không muốn chi tiêu quá 500 nghìn đồng/tuần cho cửa hàng tạp hóa, hãy đặt ra một thời hạn hợp lý cho bản thân. Ngay cả khi bạn muốn được tăng lương vào quý thứ ba, bạn cũng phải đặt mục tiêu cụ thể để đạt được điều đó. Và nếu may mắn có cơ hội được đảm nhận một dự án lớn vào mỗi tháng, hãy tìm hiểu dự án là gì và vạch ra một kế hoạch chi tiết ngay từ bây giờ. Càng cụ thể những gì bạn muốn, bạn sẽ càng có nhiều khả năng đạt được mục tiêu của mình hơn.

Kiểm tra thẻ tín dụng

Dành ít nhất một ngày mỗi tuần để kiểm tra thẻ tín dụng của bạn. Việc kiểm tra bảng sao kê thẻ tín dụng hàng tuần sẽ đảm bảo rằng bạn không chi tiêu quá lố cho những thứ không cần thiết và bạn sẽ có xu hướng cắt giảm những chi phí đó trong tình huống buộc phải làm vậy.

Nhận thức sai lầm về tiền bạc trong quá khứ

Hãy dành một ít thời gian để viết ra một số sai lầm về tiền bạc của bạn trong năm 2020. Sau đó, hãy viết ra các mục tiêu tiền bạc của bạn cho năm 2021. Sẽ dễ dàng hơn để thực hiện các mục tiêu trong tương lai nếu bạn biết những sai lầm về tiền bạc đã xảy ra trong quá khứ. Xác định điểm yếu của mình sẽ giúp bạn củng cố tài chính trong tương lai. 

Thực hiện những bước nhỏ này vào đầu năm sẽ giúp bạn khôi phục và ổn định tình hình tài chính một cách lâu dài. Bằng cách bắt đầu từ quy mô nhỏ, bạn sẽ có thể đạt được mục tiêu của mình dễ dàng hơn. Từ đó sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện các mục tiêu lớn hơn.

Doanh nghiệp & Tiếp thị/ Theo Forbes


 
Top