Loài thực vật này còn có tên là rau trai ăn, rau trai trắng, trai thường, cỏ lài trắng, thuộc họ thài lài. Rau trai mọc nhiều ở nơi đất ẩm, ruộng vườn của các tỉnh đồng bằng, miền núi.

Rau trai cao 25-50cm, lông mềm, rễ dạng sợi mọc ở đốt, thân phân nhánh thường ngả xuống, lá thuôn hay hình ngọn giáo, có bẹ ở gốc dài 2-10 cm, rộng 1-2 cm, không cuống. Hoa màu xanh lơ có những lá bắc dạng mo bao quanh. Quả nang.

Rau trai vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, chống viêm, lợi tiểu, tiêu sưng; thường được dùng toàn cây để làm thuốc. Có thể dùng tươi hay khô, được dùng để chữa các bệnh: cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm amiđan cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, phù thũng.

Các bài thuốc:

Chữa viêm họng, viêm amiđan cấp: Rau trai tươi 30 g sắc uống, ngày 1-2 lần, uống 3-4 ngày; có thể dùng 90-120 g giã nát chắt nước uống hằng ngày (cho thêm một chút muối).

Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Rau trai tươi 30-40 g sắc uống trong 3-5 ngày.

Chữa viêm cầu thận cấp, phù thũng, đái ít: Rau trai 30 g, cây cỏ xước 30 g, bông mã đề 30 g. Sắc uống thường xuyên hằng ngày.

Chữa phong thấp, viêm khớp, phù tim: Rau trai 40 g thái nhỏ, hạt đậu đỏ 40 g, nấu chín ăn hằng ngày (ăn cả cái lẫn nước).

Chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên: Rau trai 30 g, bồ công anh 30 g, lá dâu tằm 30 g, dùng sắc uống hằng ngày. 

BS Huy Tú, Sức Khỏe & Đời Sống

 
Top