Nhạc giáng sinh, năm mới là đại diện rõ ràng nhất cho việc người ta có xu hướng nghe mãi nhạc từ thời xửa xưa dù có đang sống trong thời đại nào, với phong cách âm nhạc thời thượng nào đi nữa. Đó là chưa kể mỗi chúng ta ai cũng có một tuyển tập nhạc “xưa” nghe hoài không chán.

Ảnh: The Conversation

Một khảo sát trên 1.000 người dân Anh nhiều độ tuổi của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Deezer cho thấy độ cởi mở với âm nhạc đương đại đạt đỉnh ở tuổi 24. Sau độ tuổi này, sự tò mò dành cho các giai điệu thời thượng giảm dần - áp lực công việc, chăm lo con cái và việc quá tải lựa chọn (nhiều quá không biết nghe gì, thôi chọn cái cũ cho dễ) là những lý do hàng đầu được đưa ra.

Có thể thấy thế hệ lớn lên trong thập niên 1970 luôn lựa chọn Michael Jackson, ABBA hay Boney M. trong các cuộc vui, trong khi nhóm Millennial (hiện 25 - 40 tuổi) tìm về âm nhạc những năm 1990 nhiều đến nỗi trang nhạc streaming nào cũng có sẵn playlist chứa nhạc từ thời kỳ này. 

Khảo sát của trang blog Skynet & Ebert, sử dụng dữ liệu tại Mỹ của Spotify, còn đưa ra kết luận thú vị hơn: trung bình đến năm 33 tuổi người ta không còn nghe nhạc mới nữa. “Đến khoảng này, gu âm nhạc của mỗi cá nhân đã trưởng thành hoàn toàn, và có lẽ sẽ giữ nguyên như vậy đến hết đời” .

30 tuổi với nhiều người là mốc thời gian chuyển tiếp, khi những phép thử đã không còn hấp dẫn bằng những lựa chọn thân thuộc. Thuật toán gợi ý bài hát của Spotify và YouTube ngày càng chính xác, giúp người nghe không phải bước nửa bước chân ra khỏi vùng an toàn.

Biếm họa về vụ việc trên tờ Die Ziet ngày 6-4-1913. Ảnh: Wikimedia Commons

Khi ta đã biết rõ thứ ta cần nằm trong tầm tay, tại sao phải dành thời gian cho một sản phẩm chưa được kiểm chứng, đến từ một nghệ sĩ ta chưa hề nghe tới? Đây cũng là câu hỏi mà Coco Chanel, Marcel Duchamp, cùng nhiều nhân vật tinh hoa khác đặt ra trong buổi diễn mở màn vở giao hưởng - ballet The Rite of Spring (Nghi lễ mùa xuân) của nhà soạn nhạc Igor Stravinsky tại Paris năm 1913.

Vở diễn được Stravinsky viết sau giấc mơ của ông về một cô gái trẻ nhảy đến chết trong một nghi lễ hiến tế, với sức căng nhịp điệu và hòa âm ken đặc trong từng khuông nhạc, cùng những đoạn “thắt nút” cao trào mà không được tháo giải - lấy cảm hứng từ nhạc dân gian của vùng Lithuania quê hương tác giả.

Vốn đã có chút tiếng tăm từ vở Firebird ba năm về trước, Stravinsky trông đợi tác phẩm tiếp theo của mình trở thành một trải nghiệm vô tiền khoáng hậu. Đêm công diễn đã phần nào đạt được điều đó: Mở đầu bằng tiếng kèn Bassoon chói tai, tác phẩm đã khiến tầng lớp sang cả ngồi trên các gác lửng nhà hát phải phá lên cười. 

Nhưng khi các hợp âm ngang cung nối đuôi nhau tuôn ra trên nền vũ đạo chống đối khuôn thước ballet của Vaslav Nijinsky, khán giả dần hiểu ra đây không phải trò đùa. Tờ Le Figaro tường thuật hôm sau: tiếng khúc khích của đám đông dần chuyển thành những lời chỉ trích, kế đó là la hét, và chẳng bao lâu sau cả hội trường bị nhấn chìm trong hỗn loạn, ẩu đả, với rau úng ném tứ tung.

Khán giả Paris chưa từng chứng kiến một ví dụ tương tự, và khi không biết phản ứng ra sao, họ coi vở diễn như một hiểm họa. Trớ trêu thay, The Rite of Spring đến nay lại được tung hô như một kiệt tác có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, một bước ngoặt mở đường cho sự ra đời của jazz, electronic và nhạc thể nghiệm (experimental music) đương đại. 

Có lẽ đám đông nước Pháp chưa sẵn sàng cho một tác phẩm mang tính cách mạng - họ đang muốn nghe một vở ballet với hòa âm êm ái như thường thấy từ nhà soạn nhạc Debussy. Thay vào đó, họ rời nhà hát Champs-Élysées, mệt mỏi và tức giận sau một buổi tối hỗn loạn, với vài mảnh rau hỏng còn dính trên y phục - tất cả chỉ vì một trải nghiệm nghe-nhìn mới.

Kết luận từ câu chuyện trên có vẻ quá rõ ràng: con người thích những gì họ thấy quen thuộc. Cơ chế này tạo thành một vòng lặp có khả năng khuếch đại vô hạn định: vì đã quen nên thích, do đó lại càng quen. Tuy nhiên, đằng sau lẽ thường tình này là một lời giải thích trên khía cạnh sinh lý học, có thể giúp ta hiểu hơn về cảm giác nghi ngại các trải nghiệm âm nhạc mới, cũng như mối liên hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và cảm xúc con người.

Nhạc là một trong các loại tín hiệu yêu cầu sự tập trung cao độ của não người. Các nghiên cứu cho thấy âm nhạc kích thích hàng loạt chức năng của cả bốn thùy não, trong đó có cả chức năng thị giác của thùy chẩm, từ đó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức và kích hoạt cảm xúc của con người.

Cơ chế này hoạt động nhờ tính mềm dẻo (plasticity) của não bộ, tức khả năng tự thay đổi cấu trúc của não trong quá trình thích ứng với môi trường mới hoặc phục hồi thương tổn. Khi ta nghe nhạc, phần vỏ não thính giác kích hoạt một mạng lưới nơron giúp tạo ra một “thư viện” các liên kết thần kinh tương ứng với từng thể loại nhạc. Mỗi âm thanh thu nhận qua ta sẽ được soát lại qua thư viện này, và nếu có trùng khớp, sẽ kích thích cơ thể tiết ra một lượng dopamine tương ứng với cảm xúc của ta khi nghe giai điệu lần đầu.

Ngược lại, nếu bài hát không trùng khớp với bất kỳ khuôn nào trong “thư viện”, cơ thể ta sẽ bơm vào một lượng dopamine quá mức cần thiết, dẫn đến các phản ứng mạnh mẽ tương tự như khán giả Paris trong đêm đầu của The Rite of Spring. Miền vỏ não thính giác cũng là một vòng lặp khuếch đại, và cách “thư viện” âm thanh hoạt động càng khiến những thứ thân quen có lợi thế hơn những điều lạ.

Sự tình sau đêm diễn The Rite of Spring hỗn loạn tại Paris thường ít được kể, dù nó là một đoạn kết cần thiết để câu chuyện được trọn vẹn. Sau vụ ẩu đả, vở ballet tiếp tục lên sân khấu Champs-Élysées suốt nhiều tháng liền, với các đêm diễn hầu hết kín chỗ ngồi. 

“Lượng người phản đối cũng giảm dần: đêm thứ hai chỉ có tiếng cãi vã ở nửa sau vở diễn, trong khi đêm thứ ba đã có những tràng pháo tay nhiệt liệt. Một năm sau, vở diễn ngợp trong một biển những lời tán dương, còn Stravinsky được khán giả hâm mộ vây kín mỗi khi xuống đường” - nhà phê bình Alex Ross mô tả lại trong cuốn sách The Rest is Noise.

Vở The Rite of Spring, cũng như các tác phẩm vô tiền khoáng hậu khác, chính là những dấu mốc giúp định hình lịch sử - cũng chẳng mất gì nếu ta cho những thứ như vậy một cơ hội ngay hôm nay.

(Tuổi Trẻ)

 
Top