Kha tử tính ấm, vị cay đắng, có tác dụng liễm phế chỉ khái, sáp trường chỉ tả. Kha tử là vị thuốc thường được dùng để chữa ho, khàn tiếng, viêm họng.

Quả kha tử trị viêm họng.

Kha tử có tên khoa học là Terminalia chebula Retz., thuộc họ Bàng. Cây kha tử được trồng chủ yếu ở Đông Nam Á, Nam Á.

Bộ phận dùng làm thuốc là quả chín sấy hay phơi khô của cây kha tử (còn gọi là cây chiêu liêu).

Quả có hình trứng thon, dài khoảng 3 – 4cm, hai đầu tù, có 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt. Phần cùi thịt có màu đen nhạt, khô, chắc.

Kha tử thường được thu hoạch vào tháng 9, 10, 11 khi quả chín để tiến hành phơi/sấy khô.

Thành phần hóa học của kha tử

Kha tử chứa một lượng lớn hợp chất phenolic (acid phenolic, tannin và flavonoid) và acid ascorbic (vitamin C).

Tannin là thành phần chiếm từ 20 – 40% trong kha tử, nếu quả thật khô hàm lượng tannin có thể lên tới 51,3%. Các hợp chất thuộc tannin chính trong kha tử bao gồm terflavin A, terchebulin, punicalagin, acid chebulagic, acid chebulinic và corilagin.

Flavonoid có trong kha tử bao gồm rutin, quercetin và dẫn xuất methyl của quercetin.

Vị thuốc cát cánh.

Tác dụng của kha tử 

Kha tử tính ấm, vị cay đắng, có tác dụng liễm phế chỉ khái, sáp trường chỉ tả.

Kha tử là vị thuốc thường được dùng để chữa ho, khàn tiếng, viêm họng. Ngoài ra, do thành phần của kha tử có chứa nhiều tannin nên còn được dùng chữa đại tiện lỏng lâu ngày, lỵ mạn tính. Kha tử còn được sử dụng trong điều trị ra mồ hôi trộm, trĩ, di tinh, xích bạch đới.

Liều sử dụng thông thường là 3 – 6g/ngày.

- Khi sử dụng để trị ho, viêm họng, khàn tiếng có thể nhai ngậm phần thịt quả (tách bỏ hạt), nuốt nước từ từ đến khi thấy hết vị chát (có thể ngậm cùng vài hạt muối nhỏ).

Ngày ngậm 2 – 3 lần, mỗi lần 1 quả. Nên ngậm ngay từ khi bắt đầu cảm thấy hơi đau họng hoặc vướng khi nuốt nước bọt.

- Hoặc dùng dưới dạng thuốc sắc cùng các vị thuốc có tác dụng trừ ho, tiêu đờm, bổ khí... tùy theo trường hợp bệnh như: Kha tử kết hợp với cát cánh, cam thảo khi ho có đờm do viêm họng; kha tử kết hợp đảng sâm, ngũ vị tử khi ho kéo dài do phế khí phế âm lưỡng hư...

Vị thuốc cam thảo.

Các nghiên cứu về tác dụng dược lý và lâm sàng của kha tử

Kháng khuẩn, kháng virus

Hoạt tính kháng nhiều loại vi khuẩn của kha tử đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Trong đó acid gallic và ethyl gallate là hai thành phần có vai trò chính trong tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng kháng methicillin. Acid ellagic ức chế mạnh vi khuẩn C. perfringens và E. coli. Methyl gallate trong kha tử có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn nặng do trực khuẩn lỵ đa kháng thuốc.

Kha tử còn có tác dụng đối với các vi khuẩn Bacillus subtilis, S. epidermidis, Sa. typhi và Pseudomonas aeruginosa.

Kha tử có khả năng ngăn chặn một số virus như virus cúm, HSV-1, CMV, HIV typ 1, virus viêm gan B; kháng ký sinh trùng sốt rét; kháng nấm Candida Albicans...

Dung dịch súc miệng từ dịch chiết kha tử đã được chứng minh trên lâm sàng có tác dụng giảm đáng kể tổng lượng vi khuẩn nói chung và số lượng liên cầu trong nước bọt của người bệnh. Tác dụng bảo vệ kéo dài 3 giờ sau khi súc miệng.

Những kết quả nghiên cứu này đã góp phần chứng minh vai trò của kha tử trong điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản).

Hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm

Dịch chiết kha tử bằng methanol đã được chứng minh có tiềm năng chống oxy hóa, trong đó chebulic ellatannin là hợp chất phenolic chính. Kha tử cũng được chứng minh có tác dụng giảm viêm, giảm đau trên động vật thực nghiệm.

Ngoài các tác dụng dược lý trên, các nghiên cứu gần đây còn đưa lại những kết quả hứa hẹn về nhiều tác dụng tiềm năng của kha tử trong chống lão hóa, điều trị đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, ung thư, bệnh lý thận, bảo vệ tế bào thần kinh, tế bào gan, bảo vệ niêm mạc dạ dày...

BS. Đặng Trúc Quỳnh
Bộ môn Nội Nhi – Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội
https://suckhoedoisong.vn/kha-tu-vi-thuoc-chua-ho-viem-hong-169210926204144679.htm
 
Top