
Bertha Benz có tầm nhìn, ý tưởng và suy nghĩ mang tính cách mạng
trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp ô tô. (Ảnh: GL ARCHIVE / ALAMY
STOCK PHOTO) |
Bertha Benz sinh ngày 9/5/1849 tại
Pforzheim, Đức. Bà là vợ của Karl Benz, người được xem như đã phát minh
ra xe ô tô và đồng sáng lập nên hãng xe Mercedes-Benz lừng danh. Dù là
một kỹ sư thiên tài nhưng đáng tiếc Karl Benz lại thiếu đi suy nghĩ và
tầm nhìn của một nhà kinh doanh thực thụ. Hầu hết những việc liên quan
đến huy động vốn và tài chính cho các dự án nghiên cứu chế tạo đều được
vợ ông, bà Bertha đảm nhiệm. Thậm chí, ban đầu Karl còn không có tham
vọng phổ biến xe ô tô khi quyết định không lắp đặt bình xăng cho chiếc
xe mà ông tạo ra.
Tuy nhiên, thật may mắn cho chúng ta khi
Bertha Benz lại nhận thấy rõ tiềm năng của phát kiến này. Đó là lý do
vào một buổi sáng tháng 8/1888, bà để lại lời nhắn ngắn gọn cho chồng
trên bàn bếp nói rằng mình về thăm nhà ngoại vài ngày, rồi cùng hai
người con trai Eugen và Richard lặng lẽ khởi hành. Bertha Benz không hề
đả động đến việc bà sẽ đi đến đó bằng phương tiện nào.

Bertha Benz cùng hai người con trai trên chuyến hành trình lịch sử. (Ảnh: HI-STORY / ALAMY STOCK PHOTO) |
Sau khi cùng hai con đẩy chiếc Benz Patent-Motorwagen No.3 đi đủ xa khỏi nhà để Karl Benz không thức giấc, Bertha quay bánh đà của xe để kích nổ khối động cơ 1 xi-lanh dung tích 1.6L. Gia đình Benz sống tại Mannheim còn đích đến của ba mẹ con nằm ở Pforzheim, cách đó khoảng 90 km. Và đây cũng chính là chuyến đi xa đầu tiên được thực hiện bằng xe ô tô.
Đây là một thử thách lớn dành cho Bertha
và hai người con khi gần như chắc chắn chiếc Benz Patent-Motorwagen
No.3 sẽ gặp hỏng hóc. Chiếc xe mới chỉ được phát minh ra hai năm trước
đó. Họ không biết đường, thậm chí chẳng có đường sá theo đúng nghĩa đen
cho họ đi; Larry Page, ông chủ của Google Maps thì phải 85 năm nữa mới
chào đời; thời đó chắc chắn không ai biết dịch vụ cứu hộ ô tô là gì và
mức công suất 2,5 mã lực đảm bảo chiếc xe sẽ chết cứng giữa lưng chừng
đồi. Dù vậy, tất cả những điều ấy không đủ khiến Bertha Benz nhụt chí.
Bà cùng hai người con can đảm tiến về phía trước và... đi nhầm đường.

Chiếc xe Benz Patent-Motorwagen No.3 mà Bertha Benz đã sử dụng. (Ảnh: Zenodot Verlagsgesellschaft mbH) |
Sau khi hỏi được đường đi, trở ngại tiếp theo dành cho Bertha là tìm ra nguồn nước. Động cơ của chiếc Benz Patent-Motorwagen No.3 được làm mát bằng cách đổ nước lên rồi chờ cho nước bốc hơi để giảm nhiệt. Vì vậy suốt cuộc hành trình, bà và hai người con phải liên tục tìm sông, suối hoặc mua nước ở các cửa hàng.
Dầu máy cũng được xử lý hơi khác so với
bây giờ. Thay vì dùng bơm đẩy dầu chạy tuần hoàn qua động cơ, dầu được
đổ vào động cơ và lượng dầu không cháy hết sẽ chảy thẳng xuống đất.
Thật bất ngờ khi xăng lại không phải vấn
đề lớn mà Bertha Benz phải đối mặt. Xăng có thể mua dưới dạng hóa chất
benzine, được bán rộng rãi thời đó. Bà đã dừng lại mua benzine tại một
cửa hàng hóa chất ở Wiesloch và nơi này vô tình trở thành cây xăng đầu
tiên trên thế giới. Tòa nhà có cửa hàng hóa chất ấy hiện vẫn còn tồn
tại.
Sau đó, chiếc Benz Patent-Motorwagen
No.3 bắt đầu "dở chứng". Đầu tiên, một đường dẫn nhiên liệu bị nghẽn,
Bertha dùng trâm cài mũ của bà để thông nó. Tiếp theo, dây đề lộ thiên
cần được cách điện và thế là chiếc quần tất của bà trở thành vật hy
sinh. Khi những ngọn đồi nối đuôi nhau xuất hiện, hai cậu con trai Eugen
và Richard xuống đẩy xe, còn Bertha Benz cầu viện bất cứ người dân nào
đi qua dừng lại để giúp đỡ bà.

Bertha Benz cùng chồng, ông Karl Benz, trên một phiên bản đời sau của chiếc Motorwagen No.3. (Ảnh: Mercedes-Benz.com) |
Không rõ chuyến hành trình tiêu tốn chính xác bao nhiêu thời gian nhưng khi ba mẹ con tới Pforzheim thì trời bắt đầu tối. Với việc khởi hành từ sáng sớm, 90 km ấy đã khiến họ mất khoảng 15 giờ đồng hồ, tức là nhanh ngang với... đi bộ. Sau đó, Bertha đánh điện giải thích cho chồng mình những gì vừa xảy ra.
Vài ngày sau đó, Bertha Benz cùng các
con trở lại Mannheim bằng một tuyến đường ngắn hơn và chiếc Motorwagen
No.3 không gặp thêm bất cứ trục trặc nào. Má phanh của xe được Bertha
nhờ một người thợ đóng giày bọc da bên ngoài để tránh bị mòn và từ ấy,
tấm lót má phanh ra đời. Lịch sử không ghi lại biểu cảm của Karl Benz
khi thấy vợ mình trở về, nhưng có lẽ đó là một vẻ mặt đầy tự hào xen lẫn
ngỡ ngàng.
Chuyến hành trình của Bertha Benz đã
chứng minh được rất nhiều điều, không chỉ dừng ở thông điệp phụ nữ hoàn
toàn có khả năng làm tốt mọi việc mà số đông nghĩ chỉ dành cho đàn ông.
Bà đã chứng tỏ rằng xe ô tô là công cụ hữu ích chứ không phải chỉ là thứ
đồ chơi và chồng bà đã có một trong những phát minh quan trọng nhất
trong lịch sử ngành vận tải.
Bertha Benz đã chứng minh được giá trị
của những bài kiểm tra độ bền xe. Cũng từ chuyến hành trình của bà mà
sau đó, xe ô tô được trang bị thêm các cấp số thấp để tăng khả năng leo
dốc.

Gia đình Benz trên một chuyến hành trình ngắn bằng xe ô tô năm 1894. (Ảnh: Mercedes-Benz.com) |
Thật khó để đong đếm chính xác những gì chuyến hành trình đã đóng góp cho hãng sản xuất ô tô giờ đây được biết đến với tên gọi Mercedes-Benz nhưng chắc chắn, Bertha Benz có công không nhỏ đưa thương hiệu ngôi sao ba cánh đến thành công như hiện nay.
Còn về Bertha Benz, bà qua đời năm 1944,
hưởng thọ 95 tuổi. Ngày nay, chúng ta có thể tới Mannheim và theo dấu
bà trên chuyến hành trình lịch sử ấy qua các biển chỉ dẫn cắm dọc Tuyến
đường Tưởng nhớ Bertha Benz, để sống lại hồi ức về một trong những con
người quan trọng nhất đối với lịch sử của ngành công nghiệp ô tô.
Otofun.net
Tham khảo: Wikipedia, Telegraph