Tôi khởi nghiệp gắn liền với hạt cà phê "đen - đắng"...
Vì những thăng trầm với cà phê và với “nghiệp” cà phê. Từ một đứa bé lớn lên đã gắn liền với nương rẫy cà phê bạt ngàn của Tây Nguyên, đến lúc trưởng thành tôi đã đánh đổi cuộc sống với nhiều thất bại từ những ngày đầu lập nghiệp với công việc rang xay cà phê.

Để rồi phải mất đi những thứ mình đã gây dựng nên, tôi ngậm ngùi ra đi tìm lại đam mê và tìm lại chính bản thân mình.

Đầu những năm 2000

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng vì niềm đam mê với hạt cà phê, tôi đã cùng với một người bạn thân mua sắm máy móc, thiết bị về để cùng rang xay. Sau đó chúng tôi mang đi tiếp thị cho khách hàng.

Niềm đam mê thì có, nhưng vì chưa hiểu sâu sắc về ngành cũng như vốn nhỏ nên chúng tôi đã không thể trụ lại. Chúng tôi đành bỏ lỡ ước mơ xây dựng thương hiệu chỉ sau một thời gian ngắn bắt đầu.
Năm 2009

Cũng là một dịp đáng nhớ trong đời tôi với hạt cà phê “đen-đắng”. Lúc đó cũng vừa đi học và muốn khởi nghiệp để làm giàu, ban đầu tôi có một căn nhà nhỏ và đem bán đi, với ý tưởng là lấy tiền đó xây dựng mô hình “cà phê – cây kiểng”.

Khách đến quán của chúng tôi vừa nhâm nhi một ly cà phê, và ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật Bonsai được các nghệ nhân tạo hình tỉ mỉ, công phu. Ý tưởng hay và được khách hàng ủng hộ. Nhưng chưa hoạt động được bao lâu thì có khách hàng đến đề nghị sang nhượng cho họ. Với lý do mặt bằng nhỏ, không thuận tiện nhiều mặt nên tôi quyết định sang lại để đi tìm kiếm cơ hội khác.

Qua năm 2010

Tôi đã cùng với một người bạn lớn tuổi hơn mình chung sức mở lại mô hình quán Cà phê – Bonsai trước đó. Công việc kinh doanh lẽ ra không có gì rắc rối, từ quan hệ bạn bè bước sang mối quan hệ đối tác đã khiến cho chúng tôi có nhiều cách nhìn không thật sự khách quan trong làm ăn.

Đôi bên lúc nào cũng căng thẳng, công việc của quán trở nên bế tắc, tôi dần cảm thấy nhàm chán và không còn động lực. Đến đây coi như thất bại thêm một lần nữa.

Sau thất bại này tôi đã không còn động lực cho công việc và cuộc sống, đành phải tìm cách đi xa để xây dựng lại sự nghiệp của mình.

Đến năm 2011

Nơi tôi hướng đến là đất nước Nhật Bản, một nơi tôi có rất nhiều duyên nợ, nơi thị trường cà phê phát triển bậc nhất thế giới. Sau khi ký hợp đồng với công ty và bước vào công việc, vì công ty tôi làm không liên quan gì tới cà phê nên điều trước mắt tôi hướng đến là hoàn thành công việc được giao và tạo mối quan hệ, tự sắp xếp thời gian làm việc để có thể tham gia các hội thảo về cà phê.
Khi tiếp xúc với thị trường cà phê Nhật Bản, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là phân khúc cà phê cao cấp hoàn toàn mới đối với tôi lúc bấy giờ. Nhưng vì niềm đam mê cà phê, nên tôi không theo phân khúc giá rẻ mà chọn phân khúc cao cấp này.

Và sau này nó đã giúp tôi tiếp xúc được với rất nhiều mẫu cà phê tuyệt vời trên thế giới.

Ngày thường, tôi làm việc nhiều giờ liền trong tuần để có tiền tham dự các hội thảo và các khóa học chuyên sâu về rang, cupping, pha chế cà phê… Việc tiếp xúc với một môi trường cà phê hoàn toàn mới đã làm cho tôi cảm thấy hứng thú và tập trung vào nghiên cứu cà phê các vùng miền trên thế giới, các giống cà phê quý hiếm và thu hoạch một lượng kiến thức không hề nhỏ.

Tôi say mê nghiên cứu và đã dùng hết số tiền mình kiếm được cho việc học và mua các mẫu cà phê quý hiếm, tuyệt vời nhất để tự mình trau dồi các kỹ năng về cà phê. Có thể nói, quãng thời gian gần 4 năm sống và học tập về cà phê cùng với bạn bè, các công ty lớn, hiệp hội cà phê cao cấp tại Nhật đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích sau này.

Sau 4 năm ấp ủ ý tưởng, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được ước muốn mở một quán cà phê cho riêng mình. Tôi đặt tên quán là Shin Coffee. Đối với tôi, quán là tất cả tâm huyết và tinh túy của cà phê mà tôi đã tích lũy được, theo một chuẩn mực cao nhất. Mỗi ly cà phê ngon phải cho người uống một cảm giác tột đỉnh.

Lại một lần nữa tôi khởi nghiệp, ở tuổi 30.

Shin, tiếng Nhật có nghĩa là “Chân thật”

Lúc còn nhỏ tôi phải sống lang thang vì hoàn cảnh gia đình, vào một ngày đẹp trời khi đang làm thuê cho một quán hải sản trên đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10 thì một người khách Nhật tới ăn tối và nhìn tôi rồi bảo giống con của ông ấy. Sau nhiều ngày lui tới và tìm hiểu về tôi, vị khách hỏi tôi có muốn đi học thêm hay có muốn học tiếng Nhật không thì ông sẽ hỗ trợ tôi kinh phí đi học.

Vì cũng đang khó khăn nên tôi đồng ý và nhờ sự giúp đỡ học phí từ ông ấy. Thời gian trôi qua, sau thời gian dài tiếp xúc ông nhận tôi làm con nuôi, tôi đã may mắn có được một người Ba đỡ đầu rất tốt. Ba sống rất tình cảm và dạy tôi rất nhiều thứ trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy hai người không máu mủ gì của nhau nhưng trên thực tế còn hơn thế.

Quen nhau cũng gần 20 năm thì Ba mất. Tên của Ba là Shintaro, người thân và bạn bè hay gọi là Shin, để cảm ơn sự giúp đỡ và tình cảm mà Ba dành cho mình suốt gần 20 năm qua nên tôi đã lấy tên Shin làm thương hiệu cà phê cho mình kể từ đó.

Cứ như vậy, công việc cà phê cứ cuốn hút tôi theo tháng ngày.
(Bài viết là câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Hữu Long - Giám đốc công ty cổ phần XNK Shin Coffee)
(Theo Tri Thức Trẻ)


 
Top