Ở nền văn hóa nào cũng thế, ăn uống cùng nhau là một hoạt động phổ biến trong quá trình đàm phán. Tại Nga và Nhật, hầu như các thương vụ quan trọng đều được đàm phán trên bàn ăn. Còn tại Mỹ, câu nói “chúng ta vừa ăn trưa vừa thảo luận thêm nhé” cũng thường xuyên được người ta nói với nhau. Tuy nhiên, liệu hiệu quả kinh doanh có thật sự được nâng cao khi bàn thảo vấn đề quan trọng trên bàn ăn hay không?

Để trả lời câu hỏi này, Lakshmi Balachandra, Giáo sư chuyên ngành Doanh chủ và Kinh doanh thuộc Đại học Babson, đã thực hiện hai thí nghiệm.

Thí nghiệm đầu tiên nhằm so sánh các cuộc đàm phán diễn ra trong nhà hàng với các cuộc đàm phán diễn ra trong phòng họp không có bất kỳ loại thức ăn nào. Thí nghiệm thứ hai nhằm so sánh các cuộc đàm phán diễn ra trong phòng họp khi có thức ăn và khi không có thức ăn. Có 132 học viên chương trình MBA của trường Harvard tham gia hai thí nghiệm này. Nhiệm vụ của họ là thương thảo một thỏa thuận liên doanh phức tạp giữa hai công ty. Trong tình huống giả lập này, thương vụ đã sẵn sàng nhưng còn nhiều điều khoản mà hai công ty cần cân nhắc và thống nhất để đạt lợi nhuận cao nhất cho cả hai. Các điều khoản trong hợp đồng được thiết kế để đảm bảo lợi nhuận cao nhất mà hai công ty có thể đạt được cùng nhau là 75 triệu USD, và mức lợi nhuận thấp nhất là 38 triệu USD.

Kết quả của cả hai thí nghiệm đều cho thấy ăn uống có vai trò hỗ trợ tích cực quá trình đàm phán. Cụ thể, trong thí nghiệm thứ nhất, các cuộc đàm phán tại nhà hàng mang lại mức lợi nhuận cao hơn 12% so với các cuộc đàm phán trong phòng họp không có đồ ăn. Và trong thí nghiệm thứ hai, nếu mọi người ăn uống trong phòng họp khi đàm phán, mức lợi nhuận cũng cao hơn 11% so với trường hợp không ăn.

Nguyên nhân của sự khác biệt này là từ đâu? Liệu có phải từ yếu tố văn hóa là khi ăn uống cùng nhau, người ta sẽ tin tưởng nhau hơn?

Giáo sư Lakshmi Balachandra cho biết: “Khi đánh giá yếu tố niềm tin giữa những người tham gia đàm phán, chúng tôi không thấy sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, ở khía cạnh sinh lý, có nhiều khám phá quan trọng”.

Khi ăn uống, lượng glucose trong cơ thể tăng lên, mà glucose chính là “thức ăn” của bộ não, giúp bộ não hoạt động hiệu quả hơn trong các hoạt động phức tạp và giúp con người nâng cao khả năng tự chủ, điều chỉnh định kiến và các hành vi gây hấn.

Tại Đại học Stanford, Giáo sư Margaret Neale cùng Tiến sĩ Peter Belmi cũng thực hiện một số nghiên cứu khoa học về đề tài này. Kết quả cho thấy việc sao chép hành vi của nhau trong vô thức (lúc ăn uống, mọi người đều có hành vi giống nhau) giúp tạo ra những cảm xúc tích cực về nhau cho những người trong bàn đàm phán. Chưa kể, việc ăn uống giúp mọi người tập trung vào nhau và vào nội dung được đàm phán nhiều hơn.

Có thể thấy, vấn đề không chỉ là ăn món gì, ăn ở đâu, chi phí thế nào, mà điều quan trọng ẩn sau việc ăn uống trong đàm phán chính là “cảm giác chia sẻ và được chia sẻ”, nền tảng của sự thấu hiểu, của niềm tin và sự hợp tác trong kinh doanh

Theo một khảo sát do công ty Seamless thực hiện trên 1.100 nhân viên làm việc trong 12 ngành nghề, thức ăn có tác động lớn đến hiệu quả làm việc của nhân viên.


Kết quả khảo sát của Seamless tiết lộ 9 điều quan trọng như sau:
1. 69% người được khảo sát cho rằng các phiếu tập thể thao, voucher/coupon ăn uống sẽ trực tiếp mang lại tác động tích cực về sự hài lòng trong công việc của họ.
2. Hơn 50% người cho rằng việc công ty cung cấp bữa ăn trưa miễn phí tại văn phòng có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định nhận việc của họ.
3. Hơn 60% người cho rằng việc công ty cung cấp thức ăn tại văn phòng khiến họ cảm thấy được trân trọng hơn.
4. Hơn 60% người cho rằng việc công ty cung cấp bữa trưa miễn phí sẽ khuyến khích họ ăn trưa cùng đồng nghiệp và nâng cao sự hợp tác, cộng tác giữa các đồng nghiệp với nhau.
5. Hơn 33% người được khảo sát cho rằng thức ăn giúp các cuộc họp diễn ra sôi nổi và hiệu quả hơn.
6. 43% người cho rằng ăn uống cùng khách hàng trong khi họp tại văn phòng giúp duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp hơn.
7. 51% người cho rằng có thức ăn tại văn phòng giúp họ tiết kiệm thời gian ra ngoài mua thức ăn hơn và họ có thể tranh thủ thời gian dư ra để hoàn thành công việc.
8. Hơn 50% người cảm thấy ăn trong văn phòng giúp họ có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
9. 50% người được khảo sát cho rằng thức ăn giúp họ giảm căng thẳng và cảm thấy gắn bó với công ty, với người chủ hơn.
 NCĐT
 
Top