Hiện thế giới có khoảng 200.000 người siêu giàu (tài sản trên 30 triệu USD) với tổng tài sản 27,7 nghìn tỷ USD trong đó 83% tài sản do các tỷ phú Mỹ, Đức và Nhật Bản nắm giữ.

Anh và Trung Quốc cũng là 2 quốc gia có nhiều cá nhân siêu giàu, theo khảo sát của công ty Wealth-X tại Singapore. Với việc ngày càng giàu lên, một ngày nào đó, tổng tài sản của giới siêu giàu tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ có thể vượt Mỹ. 

1. Mỹ

Số người siêu giàu năm 2013: 65.505 Tăng so với năm 2012: 8,7%
Tổng tài sản: 9 nghìn tỷ USD


Nhiều năm qua, Mỹ luôn được coi là quốc gia có số người siêu giàu nhiều nhất thế giới. Số tài sản của giới siêu giàu Mỹ chủ yếu tập trung ở thế hệ thứ nhất và hình thức gia đình kiểm soát, David Friedman, chủ tịch kiêm đồng sáng lập Wealth-X cho biết.

Trong số này có tỷ phú Bill GatesWarren Buffett – những tỷ phú sáng lập công ty từ hai bàn tay trắng và cũng là những người đạt được nhiều thành quả nhất.

Ông Friedman cho biết, nhìn chung, giới siêu giàu Mỹ chủ yếu hoạt động trong ngành công nghệ, tài chính, đặc biệt là quỹ phòng hộ. Người giàu nhất bang Texas giàu lên nhờ kinh doanh dầu và khí đốt trong khi người giàu nhất California là nhờ kinh doanh dịch vụ truyền thông và giải trí.

Số người siêu giàu của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng một phần nhờ nền kinh tế đa dạng và khả năng hấp dẫn những cá nhân tài giỏi. “Khả năng thu hút nguồn lực tri thức toàn cầu vào Mỹ là nhân tố chính trong sự thành công của nước này”, ông Friedman nói. 

2. Đức

Số người siêu giàu năm 2013: 58.065
Tăng so với năm 2012: 13%
Tổng tài sản: 7,6 nghìn tỷ USD


Đức được coi là điểm sáng duy nhất khi hầu hết các nước khu vực đồng euro đều phải đối phó với suy thoái kinh tế suốt 2 năm qua. Đó cũng là lý do tại sao số người siêu giàu tại Mỹ tăng nhanh hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào.

Tài sản của giới siêu giàu chủ yếu từ lĩnh vực xuất khẩu, Sigrid Seibold, giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Accenture tại New York cho biết. Đức hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới và có thể sớm trở thành lớn thứ 2 thế giới.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Đức và Mỹ đó là tài sản của người giàu Đức tăng từ từ. “Ở Đức, người ta thường đi theo con đường nghề nghiệp lâu dài trong khi ở Mỹ linh hoạt hơn người ta muốn thử cái gì đó khác lạ”, Seibold nói.

Người Đức cũng luôn là những người tiết kiệm hơn ở các nước khác, điều này giúp họ tích trữ được của cải. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Đức (thu nhập tiết kiệm được so với thu nhập khả dụng) là 10%, trong khi Mỹ là 3,9%, Anh là 5,4%.

Tài sản của người giàu Đức chủ yếu từ ngành sản xuất. Một trong những người giàu có nhất nước Đức là bà Susanne Klatten với tài sản 14,3 tỷ USD, một phần từ cổ phần trong tập đoàn sản xuất xe hơi BMW. 

3. Nhật Bản

Số người siêu giàu năm 2013: 14.270
Tăng so với năm 2012: 3,8%
Tổng tài sản: 6,6 nghìn tỷ USD



Bất chấp gần 2 thập kỷ gần như không tăng trưởng, Nhật Bản vẫn là nước có nhiều người siêu giàu thứ 3 thế giới. Nếu như ở nhiều nước khác, giới giàu có phất lên nhờ chứng khoán thì giới giàu Nhật Bản không chuộng chứng khoán, David Wilson, chuyên gia quản lý tài sản tại công ty tư vấn Capgemini cho biết.

Một nửa số tài sản của giới siêu giàu Nhật Bản dưới dạng tiền mặt do đó không chịu ảnh hưởng bởi những biến động thị trường trong nước.

Nếu chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe có hiệu quả thì phương thức làm giàu của người Nhật Bản có thể thay đổi. “Chúng tôi nhận thấy thị trường sẽ đi lên… Cải cách có thể giúp tài sản của người giàu tăng hơn nữa”, ông Freidman nói. 

4. Anh

Số người siêu giàu năm 2013: 10.910
Tăng so với năm 2012: 3,8%
Tổng tài sản: 1,3 nghìn tỷ USD



Qua nhiều thế kỷ, người Anh tích lũy được một khối tài sản lớn. Tuy không ai biết chính xác bao nhiêu của cải đã được truyền từ thế hệ này cho thế hệ khác và số tiền mà người Anh kiếm ra trong thời đương đại nhưng Friedman cho rằng, ở Anh có nhiều cái gọi là “tiền cổ” hơn là Mỹ.

Tài sản của giới giàu Anh thời nay chủ yếu tạo ra nhờ lĩnh vực tài chính, ngân hàng. London là thành phố có số người siêu giàu nhiều nhất châu Âu. “Khi kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, chúng tôi cho rằng số người giàu ở Anh sẽ tiếp tục tăng. Kinh tế là động lực lớn đối với ngành tài chính Anh do đó nó cũng hưởng lợi từ đà phục hồi chung của kinh tế”, ông Friedman nhận định. 

5. Trung Quốc

Số người siêu giàu năm 2013: 10.675
Giảm so với năm 2012: 5,1%
Tổng tài sản: 1,5 nghìn tỷ USD


Mặc dù số người siêu giàu Trung Quốc có xu hướng giảm do thị trường chứng khoán năm 2013 đi xuống, nhưng theo xu thế dài hạn, Trung Quốc có thể trở thành nước giàu thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới chỉ trong 2 năm nữa. Với việc GDP Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh hơn các nước phát triển, ông Friedman dự báo, số người siêu giàu Trung Quốc sẽ nhiều hơn tất cả các nước châu Âu vào năm 2017, và vượt Mỹ vào năm 2025.

Chủ yếu trong số này là triệu phú tự thân, ông Seibold cho biết. Nhiều người làm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, hoặc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ. Trong hầu hết thập kỷ trước, GDP của Trung Quốc tăng với tốc độ 2 con số.

Ngoài tăng trưởng kinh tế, giá bất động sản tăng vọt cũng là yếu tố hỗ trợ giới siêu giàu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, giá mỗi mét vuông đất tại Bắc Kinh tăng khoảng 180%, theo hãng nghiên cứu kinh tế BBVA.

Tài sản của người giàu chủ yếu tạo ra nhờ quan hệ kinh doanh với chính quyền để có được các hợp đồng lớn. “Ở đây muốn thành công bạn phải biết cách tiếp cận doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chính phủ”, ông Friedman nói.

Một trong những người giàu nhất Trung Quốc là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Baidu, ông Robin Li với tài sản 11,1 tỷ USD, theo Forbes.
(Theo Fica)
 
Top